BS. Trần Văn Phúc: “Dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân, kéo dài đến cuối hè năm 2021”

18:47 | 27/07/2020;
Khi không tiêu diệt được virus, nó sẽ chuyển sang dịch bệnh theo mùa, mà chu kì đầu tiên kể từ khi khởi phát sẽ kéo dài từ 18-24 tháng.
 Đại dịch COVID-19 là tảng băng siêu lớn chứa vi-rút SARS-CoV-2 siêu nhỏ, có khả năng lây lan cực mạnh, đang bùng nổ ở các quốc gia, trong đó có quả bom nhiệt hạch châu Âu, Trung Đông, rồi đến châu Phi, đặc biệt là quả bom nhiệt hạch Ấn Độ và Mỹ đe dọa sự an toàn của cả thế giới; điều này tôi đã từng đề cập trong các bài viết từ nhiều tháng trước.

1. Đỉnh dịch của thế giới sẽ diễn ra vào mùa Đông – Xuân?

Tôi nhớ Hoa Kỳ phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 21 tháng 1, do hãng thông tấn CNN đưa tin sớm nhất, diễn biến kể từ đó đến nay, theo tôi đó là dấu hiệu cảnh báo thảm họa đại dịch COVID-19 chỉ mới thực sự bắt đầu.

Tôi lấy ví dụ tình hình dịch bệnh ở nước Mỹ.

- Mất 99 ngày: Mỹ đạt con số 1 triệu bệnh nhân.

- Thêm 43 ngày: Mỹ đạt con số 2 triệu.

- Thêm 28 ngày: Mỹ nâng lên con số 3 triệu.

- Chỉ mất 16 ngày: Số bệnh nhân lên tới 4 triệu.

Sáng thứ 5 ngày 23 tháng 7 năm 2020, nước Mỹ chứng kiến cột mốc 4 triệu bệnh nhân COVID-19, gần 145 ngàn ca tử vong. Cũng trong ngày thứ 5 u ám đó, người dân Mỹ chứng kiến số ca nhiễm vượt trên 60 ngàn mỗi ngày kéo dài trong 2 tuần, hơn 1000 ca tử vong trong 24 giờ liên tục trong 3 ngày; số ca nặng áp đảo các bệnh viện ở nhiều tiểu bang bao gồm California, Florida và Texas. Mỹ và thế giới không thể ngăn chặn và diệt bỏ hoàn toàn virus.

BS. Trần Văn Phúc: “Dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021” - Ảnh 1.

Đã quá muộn để nhân loại làm được điều đó. Sự thiếu quyết đoán ở các quốc gia đã tạo cơ hội cho virus biến thể, nó tự biết cách giảm bớt độc lực để tồn tại và phát triển, bằng chứng là số ca tử vong trung bình mỗi ngày ở Mỹ giảm từ 2000 vào tháng 4 xuống còn 1000 vào tháng 7, nhưng tốc độc lây nhiễm lại tăng lên khủng khiếp. Đó là quy luật dịch tễ học mà bất cứ ai học qua trường y như tôi cũng phải biết. Khi không tiêu diệt được virus, nó sẽ chuyển sang dịch bệnh theo mùa, mà chu kì đầu tiên kể từ khi khởi phát sẽ kéo dài từ 18-24 tháng. Như vậy, không khó để dự đoán thời điểm hiện tại dịch mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu tăng tốc, đỉnh dịch của thế giới sẽ diễn ra vào mùa Đông – Xuân, sang mùa hè 2021 bắt đầu giảm và hết dịch vào cuối mùa thu.

Các biện pháp mà Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới áp dụng để ngăn chặn đại dịch COVID-19 bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa các doanh nghiệp không quan trọng, thực hiện các chính sách phân tán và giãn cách xã hội; nó đang gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

2. Bệnh viện là nơi phản ánh rõ nhất thực trạng suy thoái kinh tế thời COVID-19

Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) đã chính thức tuyên bố nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái bắt đầu từ tháng 2 năm 2020. Đến nay, gần 22 triệu người Mỹ đang nhận trợ cấp thất nghiệp, tương đương khoảng 13% lực lượng lao động. Con số thực tế sẽ cao hơn nhiều, tổng số người thất nghiệp có thể gấp đôi số đó, thậm chí có báo cáo hiện tại ở Mỹ 49 triệu đơn xin trợ cấp đang xếp hàng. Doanh số bán lẻ tháng 4 giảm gần 22% so với năm trước, đó là mức giảm hàng tháng lớn nhất trong lịch sử của chỉ số. Trong khi đó, khảo sát GDPNow của Atlanta Fed cho thấy ước tính đồng thuận trung bình GDP quý II giảm tới -53,8%, đây là kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng sự tụt giảm về con số tôi tin nó chưa dừng lại.

Mỹ hắt hơi thì cả thế giới ốm nặng!

Việt Nam cũng không thể tránh khỏi tác động tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ và toàn cầu bị suy thoái. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam tăng 3,82% và tụt nhanh xuống 0,36% vào quý II, trong 6 tháng đầu năm là 1,81% thấp kỉ lục kể từ năm 2010 đến nay.

Sau thành tích chống dịch COVID-19 bằng cuộc chiến vang dội 2400 giờ, nhiều lần tôi đi bộ dọc các khu phố sầm uất nhất ở Hà Nội, thấy hàng loạt các cửa hàng, cửa hiệu, nhà ăn, quán cà phê, khách sạn… đã phải đóng cửa. Số còn lại tôi ước tính lượng khách giảm đến 2/3 so với cùng thời điểm những năm trước. Khi tôi đến các thành phố không trực thuộc Trung ương, đập vào mắt tôi là cảnh đìu hiu ở ngay những cung đường trung tâm, nơi các dịch vụ hoặc phải đóng cửa hoặc thoi thóp hoạt động, nhiều thời điểm đường sá không bóng người.

Những công ty kinh doanh thiết bị vật tư y tế, nơi tưởng chừng xã hội có thay đổi thế nào thì cũng không lo thất nghiệp, vậy nhưng tôi tìm hiểu thấy rất nhiều nhân viên đang phải ngồi nhà, số có việc làm hầu hết lương bị giảm đáng kể. Nhà ăn bệnh viện không còn nhân viên y tế đến mua cơm. Tôi cũng biết các bệnh viện hạng 2 trở xuống đang cắt giảm tới một nửa hoặc hơn nữa mức chi thường xuyên cho nhân viên, tự chủ bệnh viện trong thời đại COVID đang đè lên vai họ bài toán cơm áo gạo tiền, có thể nói bệnh viện là nơi phản ánh rõ nhất thực trạng suy thoái kinh tế.

BS. Trần Văn Phúc: “Dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021” - Ảnh 2.

Bệnh viện là nơi phản ánh rõ nhất thực trạng suy thoái kinh tế. (Ảnh: Nypost)

Lịch sử đã chỉ ra rằng, trong quá khứ mỗi cuộc suy thoái và phục hồi kinh tế đã tuân theo hình dạng của 4 chữ cái; đó là chữ V, U, W và L.

HÌNH CHỮ V: Là tình trạng suy thoái nhanh chạm đáy rồi phục hồi cũng nhanh ngay lập tức. Nước Mỹ trải qua cuộc suy thoái kiểu này từ 7/1990 – 3/1991.

HÌNH CHỮ U: Suy thoái giảm mạnh đến đáy, phải mất nhiều tháng đến nhiều năm, kinh tế mới trở lại phục hồi. Thế giới đã trải qua cuộc suy thoái khủng khiếp này từ tháng 12/2007 – 6/2009, ngay cả khi đã phục hồi trở lại, các quốc gia cũng phải mất nhiều năm mới thoát khỏi khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 nhiều khả năng kinh tế thế giới suy thoái hình chữ U.

HÌNH CHỮ W: Là khi kinh tế suy thoái rồi phục hồi xen kẽ theo đường zic zắc, với 2 cực tiểu và 1 cực đại xen giữa, còn gọi là suy thoái kép. Hoa Kỳ đã rơi vào cuộc khủng hoảng W vào năm 1979-1980. Đại dịch COVID-19 cũng rất dễ rơi vào khủng hoảng chữ W, khi các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội xen kẽ, xuất hiện những đợt bùng phát dịch lần 2, hay nhiều hơn nữa.

HÌNH CHỮ L: Đây là kịch bản tồi tệ nhất, kinh tế suy thoái nhanh tụt xuống đáy, kéo dài không biết đến ngày nào mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhật Bản đã rơi vào cuộc suy thoái này trong những năm 1990, sự sụp đổ của thị trường kinh tế xảy ra nhanh chóng, kéo dài suốt 10 năm mới bắt đầu hồi phục, đây được gọi là thập kỉ mất mát nhất của Nhật Bản. Đại dịch COVID nếu thế giới cứ tiếp tục mắc sai lầm, hết lần này đến lần khác, thì không loại trừ khủng hoảng chữ L là có thật, mặc dù với những bộ não kinh tế vĩ đại trên toàn cầu thì xác suất để xảy ra chữ L là rất thấp.

Khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID là không tránh khỏi với bất cứ quốc gia nào đã hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng khủng hoảng kinh tế hình chữ V, U, W hay L thì còn tùy thuộc vào khả năng ứng phó của mỗi quốc gia, mà điều tiên quyết là cách thức kiểm soát cuộc khủng hoảng sức khỏe do vi-rút SARS-CoV-2 gây nên, sau đó là cách thức vận hành nền kinh tế trong thời đại COVID.

Sau 99 ngày Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19 với thành tích không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và cũng không có ca bệnh tử vong, nhưng đến sáng nay, Bộ Y tế đã công bố xuất hiện 4 ca bệnh lây tại Đà Nẵng, một điểm nóng du lịch của đất nước.

Cả 4 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng và rất nặng!

3. Phải làm gì để khống chế đại dịch và thoát khỏi khủng hoảng kinh tế?

Từ những dữ liệu, những mô hình, những bài học trong nước và quốc tế, vậy chúng ta phải làm gì để khống chế đại dịch và thoát khỏi khủng hoảng kinh tế?

"Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải có 1 hướng đi mới"

Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh đến việc tạo ra miễn dịch cộng đồng, thông qua khả năng miễn dịch nhân tạo là việc phát triển vắc-xin.

Rõ ràng, chúng ta không thể lựa chọn miễn dịch tự nhiên như nước Anh hay châu Âu và Mỹ đã từng chủ trương rồi phải từ bỏ, bởi đó là cách không hiệu quả.

Bởi vì, thứ nhất vi-rút SARS-CoV-2 có tỉ lệ gây chết người rất cao và hệ số lây nhiễm R0 rất lớn.

Thứ 2 là chủng vi-rút nhanh chóng biến thể.

Thứ ba, là các mô hình toán học chỉ ra rằng để có miễn dịch bầy đàn, đòi hỏi kháng thể lưu hành trong cộng đồng phải chiếm tỉ lệ rất cao, trên 90% chứ không phải gần 60% như các chủng vi-rút khác.

Cách tốt nhất là "làm cong tốc độ - warp speed" lây nhiễm của vi-rút, để chờ thời gian đủ cho chính phủ thực hiện kế hoạch vắc-xin, đảm bảo hơn 90 triệu liều tiêm cho cộng đồng tạo miễn dịch chủ động. Bộ Y tế đang thúc đẩy sản xuất vắc-xin mang thương hiệu Việt, dự kiến sẽ thử nghiệm trên người vào quý II năm 2021, trong khi Mỹ đặt mục tiêu cung cấp đủ 300 triệu liều vắc-xin cho quốc gia này ngay từ tháng 1 năm 2021.

Chúng ta có thể nhập khẩu vắc-xin, nhưng tôi e quá khó, vì nhu cầu quốc tế sẽ cực lớn, cung không đủ cầu; cho dù ngoài Mỹ còn có Anh, Đức, thậm chí Nga và Trung Quốc đều hứa hẹn sản xuất thành công vắc-xin. Chưa kể, câu chuyện vắc-xin luôn gắn với thời gian khá dài, trung bình 4 năm, đó là bài toán khó. Vắc-xin HIV đã 40 năm chờ đợi vẫn chưa có lời giải, SARS-CoV-1 năm 2003 cũng chưa ai tạo ra được, SARS-CoV-2 theo quy luật sẽ liên tục có biến thể, nên chẳng có gì đảm bảo vắc-xin sản xuất ra sẽ khống chế đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả.

Tôi vẫn hi vọng Việt Nam sản xuất được vắc-xin tốt!

Việc tiếp theo chúng ta phải làm, là thúc đẩy công tác phòng chống dịch, bao gồm hàng loạt các biện pháp như be bờ, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách li.

Đây là phương pháp đã giúp chúng ta chiến thắng rất nhiều dịch bệnh!

Không kể những dịch bệnh diễn ra thường xuyên trong nước, mà quy mô dịch ở tầm quốc tế như SARS-CoV-1 năm 2003, dịch cúm lợn Mỹ H1N1 năm 2009, dịch MERS-CoV năm 2016 đã làm cả thế giới thất kinh, nhưng Việt Nam vẫn khắc chế dịch một cách ngoạn mục bằng phương pháp hoàn toàn thủ công đơn giản này.

Nhưng có 2 khái niệm chúng ta cần phân biệt: DỊCH (outbreak) khác với ĐẠI DỊCH (pandemic).

Tôi chọn cột mốc là ngày 16 tháng 4 năm 2020, là thời điểm Việt Nam khống chế dịch COVID-19 thành công, với 99 ngày sau đó không có ca nhiễm trong cộng đồng và không có bệnh nhân tử vong.

Số liệu thống kê ngày 16 tháng 4, cả thế giới chỉ có hơn 2 triệu người mắc, nước Mỹ số lượng bệnh nhân nhiều nhất với gần 645 ngàn ca; mặc dù WHO đã công bố ĐẠI DỊCH trước đó một tháng, nhưng số lượng bệnh nhân chỉ tương đương với DỊCH mà thôi.

Theo tôi đó là lí do Việt Nam tiếp tục thành công vang dội bằng phương pháp phòng chống dịch kinh điển của mình.

Nhưng ở thời điểm hiện tại quy mô đã trở về đúng nghĩa ĐẠI DỊCH: tổng số lượng bệnh nhân trên toàn thế giới = 16,3 triệu, nước Mỹ = 4,4 triệu, Brazil = 2,4 triệu, Ấn Độ = 1,4 triệu, cả châu Âu = 2,8 triệu; con số này khác xa với thời điểm ngày 16/4/2020 chỉ tương đương với DỊCH.

BS. Trần Văn Phúc: “Dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021” - Ảnh 2.

Cần nhớ rằng, đại dịch đang diễn ra toàn cầu với những quả bom nhiệt hạch như Mỹ và Ấn Độ, tiếp theo là châu Âu, chưa kể Brazil hay châu Phi, nó đủ sức công phá tất cả các quốc gia.

Nếu chúng ta chấp nhận hi sinh kinh tế, nghĩa là đóng biên tuyệt đối như đã làm, bỏ tù những kẻ đưa người xuất nhập cảnh trái phép, sẵn sàng thực hiện giãn cách xã hội cả một thành phố thậm chí là cả quốc gia, cách li tuyệt đối ổ dịch cho dù đó là một xã phương hay cả thành phố; thì tôi tin chúng ta đủ sức truy vết, khoanh vùng để đạt được thành công vang dội như kết quả của 99 ngày trước đây. Nhưng hệ quả của phương pháp này cũng sẽ khôn lường, khi nền kinh tế bị cô lập, sẽ không khác gì thời kì bị cấm vận và ngăn sông cấm chợ những năm 80 trở lại trước, nó làm cho tôi liên tưởng đến kịch bản suy thoái kinh tế hình chữ L, khi nên kinh tế bị sụp đổ thì rất rất dễ rơi vào thảm họa kép của dịch bệnh, chúng ta đã trải qua thời kì cấm vận nên đủ thấm hiểu nó nguy hiểm đến mức nào.

"Vừa chống dịch vừa cứu kinh tế là cách chúng ta nên chọn!"

Theo dự đoán của tôi, dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021, vậy bắt buộc Việt Nam phải uyển chuyển trong việc mở cửa kinh tế với thế giới, các hoạt động kinh tế trong nước phải diễn ra bình thường ở trạng thái bình thường mới. Trong trường hợp này, những quả bom nhiệt hạch sẽ phả sức nóng vào Việt Nam, chắc chắn biện pháp phòng dịch bằng phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách li vẫn rất quan trọng, nhưng cần phải có sự thay đổi đáng kể về kĩ thuật.

Chúng ta phải chủ động phát hiện, bằng cách xét nghiệm trên diện rộng thậm chí là xét nghiệm cộng đồng, với 2 phương pháp đồng bộ gồm phương pháp phát hiện kháng thể có độ nhạy cao và phương pháp phát hiện gen PCR có độ đặc hiệu cao.

Xét nghiệm cộng đồng bằng test nhanh và PCR mang lại 3 lợi ích:

- Phát hiện chính xác ca bệnh sớm.

- Giảm bớt hầu hết công việc truy vết.

- Giúp cho việc giám sát kháng thể ngẫu nhiên (random antibody surveillance – RAS) để làm rõ tỉ lệ lưu hành bệnh thực sự, đồng thời biết được chính xác tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng thực sự (infection fatality rate – IFR) cũng như tỉ lệ ca tử vong (case fatality rate – CFR), từ đó có chiến lượng phòng chống dịch hiệu quả.

Xét nghiệm, xét nghiệm, và xét nghiệm; đó là bài học thành công của Hàn Quốc đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả, thay vì rình rập ca bệnh và đuổi theo truy vết. Nếu xét nghiệm theo phương pháp gộp nhóm (group testing), tôi tin cả Đà Nẵng không mất thời gian đến 1 tuần, kết quả chính xác, đây là cơ sở giúp Đà Nẵng khống chế dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Cách li triệt để một khu vực dân cư sẽ trở nên không cần thiết, nếu như chúng ta chủ động xét nghiệm cộng đồng phát hiện sớm các ca bệnh, có được số liệu RAS, IFR và CFR.

Bài học chống dịch thành công từ việc cách li làng hoa Hạ Lôi, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội đó là chiến thắng vang dội; nhưng vẫn để lại trong tôi nhiều điều day dứt. Với 13 ca nhiễm, nhưng cả thôn Hạ Lôi 13.000 người bị cách li tuyệt đối, chẳng ai quan tâm đến việc phải xử lí ra sao với cánh đồng hoa đã đến vụ thu hoạch, sau 28 ngày dỡ cách li thì hoa đã tàn.

Nếu kịch bản làng hoa Hạ Lôi xảy ra ở thời điểm hiện tại, chúng ta sử dụng xét nghiệp gộp nhóm 2 phương pháp gồm test nhanh và PCR, tôi tin trong 1-2 ngày xét nghiệm đủ xong làng loa Hạ Lôi, khi đó chỉ cần giãn cách vật lí và sử dụng các biện pháp chống lây nhiễm cá nhân là hiệu quả, việc lao động sản xuất, thu hoạch hoa hoàn toàn có thể thực hiện trong trạng thái an toàn mới.

BS. Trần Văn Phúc: “Dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021” - Ảnh 3.

Rất nhiều những bài học đã được rút ra, như nhiễm bệnh ít xảy ra ở những người có cuộc sống tách biệt, nhà ở dày đặc ít an toàn hơn những nơi phi tập trung, mật độ đám đông tác động đáng kể đến nguy cơ lây nhiễm. Cần bảo vệ nhóm người mắc bệnh phổi, bệnh tim, tiểu đường, béo phì và tuổi cao vì rất dễ nhiễm vi-rút này. Giảm tiếp xúc vật lí, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, đeo khẩu trang; đó là những biện pháp phòng bệnh cá nhân cực kì hiệu quả. Chúng ta có thể lợi dụng những sự thật này để bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ cộng đồng.

Có một câu nói khá thú vị của nhà văn Mark Twain, được Abraham Kaplan phát triển, sau đó Abraham Maslow kế thừa: "If the only tool you have is a hammer, everything looks like a nail, and you will find that everything encounters needs pounding. – Nếu công cụ duy nhất bạn có là một cái búa, mọi thứ trông giống như một cái đinh, và bạn sẽ thấy cái gì cũng phải đập".

Tôi không muốn chống dịch như đang cầm 1 cái búa!


 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn