Sau 99 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam bắt đầu ghi nhận số lượng người mắc COVID-19 vào khoảng thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8 - đánh dấu giai đoạn thứ 3 trong cuộc chiến chống đại dịch.
Song, liên tiếp 3 buổi sáng gần đây, Bộ Y tế thông báo Việt Nam không có thêm bệnh nhân nào dương tính với COVID-19. Điều này khiến nhiều người nhẹ nhõm thở phào và một câu hỏi khác được đặt ra là: Liệu đỉnh dịch COVID-19 tại Việt Nam đã đi qua?
Tính từ đầu năm đến nay, nhìn nhận vào tình hình thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Mỹ,… chúng ta đều đã thấy rõ hậu quả kinh khủng do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra, về cả tính mạng con người và các vấn đề kinh tế, xã hội.
Không ngoại lệ, tính đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với 3 làn sóng dịch COVID-19. Đợt đầu tiên xuất hiện từ Vĩnh Phúc, đợt 2 là các nguồn bệnh ngoại lai xâm nhập và đợt thứ 3 được phát hiện ở Đà Nẵng.
Bàn về đỉnh dịch COVID-19 trong làn sóng thứ 3, BS. Trương Hữu Khanh cho biết, đỉnh dịch là thời điểm ghi nhận hàng loạt người nhiễm bệnh, số ca tăng đỉnh điểm sau đó giảm dần.
"Đến nay, Việt Nam chưa có đỉnh dịch và chưa chắc có nếu tiếp tục duy trì biện pháp phòng, chống như hiện tại", ông đánh giá.
Với số lượng ca nhiễm đang có dấu hiệu giảm xuống, chuyên gia này cho rằng thời điểm dịch cao nhất ở Đà Nẵng đã qua. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện tốt, số ca mắc mới có thể tăng nhưng tốc độ sẽ giảm dần xuống. Và ngược lại, nếu chúng ta lơ là chắc chắn dịch sẽ lên đỉnh. Vấn đề miễn dịch cộng đồng cần được thực hiện từ từ để chờ vắc-xin.
"Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định đỉnh dịch đã qua. Đỉnh dịch phụ thuộc vào cách chúng ta phòng, chống và nỗ lực ngăn chặn. Với sự siết chặt của toàn ngành y tế và cộng đồng, Việt Nam luôn kiểm soát được số ca nhiễm mới.", ông khẳng định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết sau khi Bộ Y tế công bố lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân nhiễm virus ở chợ, ông đánh giá dịch Covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng từ trước.
"Thông thường, khi dịch lây nhiễm trong cộng đồng với số lượng nhất định thì mới lan đến cơ sở y tế, khu điều trị bệnh nhân tiên lượng nặng. Điều này có nghĩa là khi phát hiện ca mắc ở các bệnh viện Đà Nẵng, nhiều người ngoài cộng đồng đã nhiễm virus. Như vậy, dịch có thể đã lây lan trong cộng đồng ở Đà Nẵng từ 2 đến 3 tuần trước khi phát hiện ca đầu tiên.", bác sĩ Khanh nhận định.
Chuyên gia này lý giải nguồn bệnh ngoại lai xâm nhập thường đến các khu vực công cộng, tập trung đông đúc như khách sạn, chợ, siêu thị... Do đó, trước khi lây nhiễm trong cơ sở y tế, nguồn bệnh có thời gian di chuyển nhiều nơi trong cộng đồng.
"Nguyên tắc xuất hiện virus trong viện thường là bắt nguồn từ cộng đồng một thời gian rồi mới lây nhiễm vào viện.", BS Khanh nói thêm.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, mỗi loại bệnh truyền nhiễm có "thời gian vàng" dập dịch khác nhau. Và với Covid-19, thời gian này có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Cùng với số lượng ca nhiễm, ca tử vong do COVID-19 ở Việt Nam so với tình hình đang xảy ra trên thế giới và mức độ ra quân hùng hậu, mạnh mẽ trong đợt dịch này, chuyên gia này đánh giá ngành y tế Việt Nam đã và đang tận dụng tốt thời gian này để dập dịch. Ngoài ra không thể không kể đến các biện pháp quyết liệt được thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Nói rõ hơn về điều này, BS. Trương Hữu Khanh cho rằng, ngành y tế có những hoạt động giám sát, khoanh vùng và phát hiện dịch tích cực ngay từ đầu, khả năng xét nghiệm được nâng cao.
Bằng chứng cho đánh giá này chính là khả năng truy vết lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố đông dân cư và nhiều du khách như Đà Nẵng. Đây có thể nói là một trong những việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống y tế Trung ương đã đổ toàn lực để khoanh vùng, phân nhóm, xét nghiệm từ khu vực nguy hiểm nhất đến toàn địa bàn. Bên cạnh đó đương nhiên còn có sự phối hợp của người dân Đà Nẵng, du khách cũng góp phần tạo nên thành quả này.
"Nếu đứng từ xa, chúng ta khó nhìn thấy những gì người Đà Nẵng đang làm. Họ tìm hiểu nguồn lây, chấp nhận giãn cách xã hội, cách ly tập trung, phát thẻ đi chợ... Do đó, không có chuyện số ca nhiễm giảm tự nhiên hoặc dịch bệnh đi xuống. Đó là sự hy sinh, công sức của nhiều người cho sự nghiệp chung", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Tuy chúng ta đang bước đầu đạt được những tín hiệu khả quan hơn so với những ngày trước đó trong làn sóng COVID-19 thứ này, nhưng BS. Trương Hữu Khanh vẫn chia sẻ niềm hy vọng người dân toàn quốc tiếp tục chung tay cùng nhà nước, tích cực hợp tác và chủ động phối hợp để đẩy lùi đại dịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn