Thấy con 16 tháng tuổi nhưng đi chưa vững, chị Nguyễn Thanh Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) rất băn khoăn, không biết sự phát triển của con có thật sự bình thường. Tuy nhiên, những người trong gia đình chị thì gạt đi ngay, ai cũng bảo bé mập mạp. Con chị Huyền gần 15kg, thừa 4kg so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Cả nhà cũng cho rằng do bé mập nên ‘nặng người’, việc chậm đi hơn các bạn cùng tuổi là bình thường. Đáng nói, tuy bụ bẫm nhưng bé khá hay ốm vặt, thường quấy khóc, da xanh xao nhợt nhạt… chứ không rắn rỏi và nhanh nhẹn như các bạn. Vì thế, cứ mỗi lần quan sát con, chị Huyền lại cảm thấy lo lắng. Cuối cùng, chị quyết định đem con đi khám dinh dưỡng thì được biết con bị suy dinh dưỡng, do thiếu vi chất nên tuy tăng cân tốt nhưng chiều cao thấp hơn so với độ tuổi.
Nhiều trẻ mập nhưng có thể bị thiếu vi chất |
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, không ít thường nghĩ rằng chỉ những trẻ thiếu cân mới là suy dinh dưỡng, song thực tế suy dinh dưỡng là khi trong cơ thể trẻ không đủ các dưỡng chất cần thiết. Suy dinh dưỡng được xác định khi trẻ có cân nặng hoặc chiều cao thấp hơn so với chuẩn cân nặng, chiều cao theo tuổi của trẻ. Còn việc trẻ tăng cân, mập mạp là do trẻ được cung cấp quá nhiều chất bột đường, chất béo hoặc trẻ được những thực phẩm nhiều đường nhưng lại ít đa dạng, thiếu rau và trái cây… Từ đó dẫn đến một chế độ dinh dưỡng thừa calo nhưng lại thiếu vitamine và các loại khoáng chất khác.
Nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tuy sống ở khu vực thành thị, là nơi có điều kiện sống tốt nhưng vẫn có tới 46% trẻ ở nhiều đô thị bị thiếu kẽm, 22% trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt…
TS Lê Bạch Mai cảnh báo, khi cơ thể bị thiếu một vi chất nào đó, trẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng, vẫn tăng cân… nên các phụ huynh thường ít nhận ra. Tuy nhiên, do nguồn cung cấp thiếu, cơ thể sẽ phải huy động vi chất dinh dưỡng từ các cơ quan dự trữ trong người để sử dụng, dẫn đến giảm đậm độ vi chất này trong các cơ quan dự trữ.
Nếu tình trạng thiếu vi chất vẫn tiếp tục không được khắc phục thì sẽ xảy ra các biểu hiện bệnh lý đặc hiệu liên quan đến vai trò của vi chất đó đối với cơ thể như: Thiếu máu là hậu quả của thiếu sắt, bệnh khô mắt là do thiếu vitamin A, bệnh bướu cổ là do thiếu i-ốt, bệnh scorbut là do thiếu vitamin C…
Do đó, cha mẹ không nên lấy sự ‘mập mạp’ làm thước đo cho sự phát triển của trẻ. Hơn nữa khi trẻ béo phì, đây sẽ là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim mạch… cho trẻ cả ở hiện tại và tương lai.
Để trẻ có sự phát triển cân đối, toàn diện, cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ theo nhu cầu của lứa tuổi, với đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất: Chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamine và khoáng chất. Ngoài ra, để cung cấp lượng vitamin D từ thiên nhiên cho sự phát triển của trẻ, cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng 15 phút mỗi ngày.
Nếu cha mẹ thấy trẻ ít vận động, chóng mệt hay quấy khóc, bứt rứt, khó chịu; trẻ hay bị ốm mỗi khi thay đổi thời tiết, dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy; trẻ có vẻ chậm đạt được các mốc phát triển về vận động; cơ bắp mềm, nhẽo; trẻ thường chậm lành các tổn thương ngoài da; tóc thưa, khô ráp, móng tay giòn, dễ gãy... có thể là trẻ đang bị thiếu hụt một số vi chất. Khi này, cha mẹ nên đưa con đi khám để được tư vấn bổ sung hợp lý dưỡng chất cho con.