Theo một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì trong 7 tháng qua, học sinh tiểu học vẫn học trực tuyến nên để dạy hết chương trình, kết thúc đúng thời gian quy định không khó. Điều đáng lo là chất lượng và những thiếu hụt kỹ năng mà trẻ đang gặp phải.
Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên tiểu học ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, việc dạy viết chính tả cho trẻ lớp 1 rất khó khăn bởi với hình thức trực tuyến khó uốn nắn được từng học sinh. "Theo chương trình mới, tiếng Việt của lớp 1 khá nặng, thời lượng nhiều nhưng khi dạy trực tuyến rất khó để linh hoạt và hỗ trợ từng nhóm học sinh khác nhau. Thực tế ở lớp tôi, nhiều cháu gặp khó khăn khi nhận biết, phân biệt một số âm khó, ví dụ như s/x, hay p/qu, k/kh, g/gh. Học sinh trở lại trường, chúng tôi phải rà soát lại để bố trí những buổi ôn tập riêng cho môn Tiếng Việt", cô Hồng cho biết.
Học sinh lớp 1, lớp 2 khu vực nông thôn hoặc con các gia đình công nhân phải làm ca kíp nhiều ở Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên... gặp nhiều khó khăn khi bố mẹ không thể hỗ trợ kèm con ở nhà. Theo cô Trương Thu Nguyệt, giáo viên dạy lớp 1 ở huyện Nhà Bè, TPHCM, vì học trực tuyến nên một số học sinh lớp cô phụ trách hiện còn chưa đọc thông viết thạo. Các con nhớ trước, quên sau. "Sau thời gian học trực tuyến, học sinh trở lại trường, giáo viên phải dạy lại một số vần và tăng cường ôn tập. Với một số cháu, cô phải kèm riêng ngoài giờ", cô Nguyệt cho biết.
"Chúng tôi xác định có thể sẽ bị 1 tuần chệch choạc mới vào nề nếp để ổn định dạy học được. Trước đây, khi học sinh đi học bình thường thì cũng vẫn cần 1-2 tuần đầu tiên để ổn định nề nếp. Trẻ lớp 1 ở nhà gần 1 năm, nên việc rời tay bố mẹ, ông bà để đến lớp sẽ khiến trẻ lo lắng", cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh A (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hà Đông (Hà Nội), rất cần dành thời gian bổ sung kiến thức, kỹ năng, ôn luyện cho học sinh tiểu học, nhất là học sinh đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (lớp1, lớp 2). Bà Hằng chia sẻ: "Thực ra trong thiết kế chương trình vẫn có 1 tuần đệm để dự phòng. Nếu việc dạy học trực tuyến đảm bảo dạy đủ nội dung chương trình thì khi học sinh trở lại trường, có thể sử dụng tuần đệm đó cho việc ôn tập. Tuy nhiên, nếu được giãn thời gian kết thúc năm học thêm 1-2 tuần nữa thì tốt hơn".
Năm học 2021-2022 là năm học phi truyền thống về khung thời gian năm học, với mục tiêu đảm bảo an toàn, duy trì chất lượng. Vì thế sau khi học sinh đến trường ổn định nề nếp, cần kiểm tra chất lượng để nắm được tình hình học tập của học sinh, từ đó có các biện pháp hỗ trợ. Nếu cần thiết các nhà trường có thể đề xuất lên Sở GD&ĐT để sở đề xuất với Bộ GD&ĐT nới khung thời gian năm học, có thể là chỉ thực hiện riêng với học sinh lớp 1, lớp 2. Làm sao để đảm bảo học sinh kết thúc chương trình đạt yêu cầu tối thiểu.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)
Còn theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11, TPHCM), để có căn cứ đánh giá một cách tổng thể, khách quan, khi hoc sinh quay lại trường sau một thời gian học trực tuyến, nhà trường tổ chức 2 - 3 kỳ kiểm tra học kỳ I để tất cả học sinh được kiểm tra ở thời điểm thuận lợi nhất về sức khỏe, tâm thế.
Giáo viên căn cứ vào điểm kiểm tra và quan sát trực tiếp trên lớp để sàng lọc ra những học sinh theo các nhóm khác nhau về khả năng tiếp thu kiến thức. Trong đó lưu ý giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn. Ví dụ cần có thời gian 4-6 tiết ở các buổi 2 để kèm thêm cho học sinh còn thiếu hụt nhiều kiến thức, kỹ năng.
Trước thực tế và lo lắng của các trường, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, lớp 1, lớp 2 là giai đoạn cần hình thành những kỹ năng cần thiết và căn bản nhất cho trẻ, đó là những kỹ năng sẽ theo trẻ tiếp tục lộ trình học tập sau này.
"Khi học sinh tiểu học trở lại trường, giáo viên cần ưu tiên việc bù đắp cho học sinh những kỹ năng, thói quen cần thiết: Tuân thủ nội quy, kỷ luật của lớp học, cách ứng xử, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, cách bảo quản đồ dùng học tập, tư thế ngồi viết, cầm bút, cách sử dụng nhà vệ sinh, kỹ năng hợp tác trong các hoạt động học tập…", ông Tài cho biết.
Theo ông Thái Văn Tài, khi học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 1-2 nói riêng trở lại trường sau một thời gian dài, chưa vội dạy kiến thức mới mà dành thời gian để giúp trẻ hình thành các kỹ năng, thói quen này. Đây cũng là quãng thời gian để trẻ thích nghi dần, không bị sốc vì thay đổi môi trường học tập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn