Bữa ăn sáng của trẻ không phải 'cứ no là được'

08:48 | 12/01/2017;
Nhiều cha mẹ thường để con tùy tiện có gì ăn nấy vào bữa sáng. Trong khi đó các chuyên gia khuyến cáo, trẻ em cần ăn sáng đầy đủ, thường xuyên để đảm bảo phát triển thể chất và tư duy.
Gia đình chị Lê Thu Uyên (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) có 2 con nhỏ, một bé học lớp 2, còn một bé mới 3 tuổi. Bố mẹ đều đi làm sớm nên các con chị Uyên đều phải dậy từ lúc 6h sáng hoặc có khi sớm hơn. Với cháu nhỏ, do trường có tổ chức ăn sáng nên chị Uyên không cần chuẩn bị gì nhiều. Song, với bé lớn thì mọi việc khá rắc rối. Cho con đi ăn ngoài thì sợ không đảm bảo vệ sinh, còn khi ăn ở nhà, thì bé có tật ăn chậm và lại kén ăn, chỉ ăn món bé thích. Vì thế, có dạo hầu như bé chỉ ăn mỳ ăn liền, nếu chán món đó thì có tuần chỉ ăn bánh ngọt…

Bố mẹ bận rộn, bản thân cũng luôn vội đi làm cho kịp giờ nên chuyện ăn sáng của con, chị Uyên quan niệm ‘cứ no bụng là được’. Món gì con thích ăn, ăn nhanh, bố mẹ càng đỡ stress, chứ không có ‘sức’ để bày vẽ món này món kia…
breakfast2.jpg
Bữa ăn sáng của bé nên có đầy đủ cả 4 nhóm chất dinh dưỡng
Thực tế, tình trạng ít quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong bữa sáng của con như gia đình chị Uyên không ít. Trong khi theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng thì điều này là hoàn toàn không nên.
 
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày cho cả người lớn và trẻ em, bởi nó cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động trong cả ngày. Bên cạnh đó, bữa ăn sáng là nguồn cung cấp năng lượng chính của não, sau một khoảng thời gian dài từ 10 - 12 giờ, kể từ bữa ăn tối hôm trước.

Mặt khác, so với trẻ không ăn sáng hoặc trẻ có bữa ăn sáng không đầy đủ, trẻ được ăn bữa ăn sáng với đủ dinh dưỡng sẽ đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng hằng ngày, đồng thời, duy trì cân nặng và chiều cao lý tưởng. Trẻ ăn sáng đầy đủ cũng có sức khỏe tốt hơn, ít mắc bệnh và phải nghỉ học hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em thường xuyên ăn sáng, khả năng học hỏi, tập trung nghe giảng và trí nhớ tốt hơn so với các trẻ em không ăn sáng.

Bác sĩ Lê Thị Hải khuyên, các gia đình nên chuẩn bị cho trẻ bữa ăn sáng lành mạnh theo các cách sau:

- Bữa ăn sáng có đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Bữa ăn giàu cacbon hydrate phức hợp có trong các loại ngũ cốc: Gạo, mì, ngô, khoai củ… Các loại thực phẩm kể trên đều chứa nhiều loại đường, sẽ được cơ thể hấp thụ và tiêu hóa từ từ, tạo nên nguồn năng lượng lâu dài để giúp duy trì các hoạt động thể chất của trẻ trong một ngày dài.

- Không nên ăn nhiều loại thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt có ga.

- Sử dụng đa dạng thực phẩm sẽ khuyến khích trẻ ăn, làm tăng sự thèm ăn của trẻ và cung cấp thêm nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe của trẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn