Thảo sinh ra trong một gia đình có bố rất gia trưởng. Có lẽ vì điều ấy mà từ bé đến lớn, lúc nào mẹ cô cũng dạy con gái sau này kết hôn phải nhịn chồng.
Thảo cưới Hùng sau gần 1 năm tìm hiểu. Chẳng biết do cô vội vàng hay do cô dễ bị bắt nạt mà sau khi cưới, cô mới phát hiện chồng mình có tính cách y chang bố.
Hùng cũng gia trưởng, thích áp đặt, thích nói nặng lời và lúc nào cũng cho là mình đúng. Người ta cứ bảo vợ chồng thì cần gì ai thắng ai thua, tuy nhiên chỉ cần hai vợ chồng Thảo xảy ra bất đồng thì Hùng sẽ lên giọng, gầm gừ để khiến Thảo im lặng.
Và có lẽ, thấm nhuần tư tưởng của mẹ nên chẳng khi nào Thảo làm căng hay phân tích phải trái. Cô nhịn!
Sự nhịn của Thảo khiến cho chồng càng được đà lấn tới. Hùng ra ngoài lúc nào cũng huênh hoang rằng vợ sợ 1 phép, không bao giờ dám cãi một câu. Và có lẽ, vì cái sự nhịn của Thảo khiến cho Hùng coi thường cô, đôi khi Thảo còn cảm thấy mình còn không được tôn trọng nữa.
Dù vậy, nhiều lúc Thảo vẫn bức xúc. Tuy nhiên, chỉ cần cô đi tâm sự với mẹ thì kiểu gì cũng bị mẹ cô cho là cô sai, vợ chồng to tiếng thì vợ nhịn, ai hay gì chuyện lục đục ầm ĩ, hàng xóm cười cho.
Cách sống đó khiến Thảo vô cùng mệt mỏi. Nếu như Hùng là người đúng, người chính trực, cô cũng chẳng tiếc gì mà không nhịn. Tuy nhiên, nhiều lúc anh vô lý quá cỡ khiến Thảo chán nản vô cùng.
Năm nay gia đình Thảo làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo từ sớm vì cuối tuần về ăn cỗ ở nhà bà nội. Cũng như mọi hoạt động khác của gia đình, Thảo tất bật từ sáng sớm, một tay cô làm cỗ. Xong đâu đấy, Thảo còn phải chuẩn bị thêm đồ nhậu vì Hùng bảo sẽ mời bạn bè đến ăn tất niên luôn, cuối năm rồi bận rộn lắm không xếp được thời gian.
Thật sự Thảo thấy hơi mệt, dời ngày cúng nên cô đã phải xin khó sếp để nghỉ làm một ngày. Cô vừa bị cúm, khá mệt mỏi nên không muốn tụ tập đông người. Hùng mặc kệ, chẳng quan tâm. Anh chỉ biết ra lệnh và đợi vợ phục tùng. Bản thân Hùng không bao giờ biết đụng tay vào giúp đỡ hay thậm chí chạy ra chợ mua bó rau thơm.
Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi cúng ông Công ông Táo xong xuôi và bạn bè Hùng đến nhà.
Khi bắt đầu nhập tiệc, có món chân giò nấu hơi mặn, bất chấp có mặt bạn bè, Hùng cầm nguyên bát chân giò ném thẳng xuống sàn vỡ tan tành rồi mắng mỏ Thảo hết lời, kể cả nói tục.
"Nấu bữa cơm cũng chẳng nên hồn. Cô xuống ăn hết cả nồi này tôi xem có ăn được không. Có mỗi chút việc cỏn con cũng chẳng xong, vợ con làm ăn không chấp nhận được".
Gương mặt Hùng đỏ gay, gầm gừ mặc kệ cho bạn xung quanh can ngăn bảo rằng chẳng có vấn đề gì.
Thảo nhìn mà chết lặng, lúc đó chẳng hiểu sao cô không khóc nổi. Nguyên một buổi sáng đầu tắt mặt tối làm cho xong, Thảo chán nản đến tột cùng. Cô chợt nghĩ đến mẹ mình, người phụ nữ ngoài 50 vẫn luôn sợ chồng nơm nớp, gần chục năm chẳng về ngoại ăn Tết vì chồng không thích vẫn phải nhẫn nhịn. Suốt nhiều năm, Thảo đã có thôi thúc mình đừng sống như mẹ nhưng nếu tiếp tục như thế này, rõ ràng cô sẽ biến thành một phiên bản khác của bà, nhịn nhục chồng đến mức phục tùng.
Sau 3 năm hôn nhân, lần đầu tiên cô muốn bùng nổ. Cô quay sang nhìn thẳng vào chồng rồi nói thẳng: "Có lẽ anh nên kiếm cô vợ khác về mà chiều anh hoàn hảo, toàn vẹn, còn tôi thì tôi xin rút lui. Anh xem, 3 năm qua có bao giờ anh tôn trọng vợ lấy một lần. Tôi là vợ chứ đâu phải là giúp việc để mặc cho anh chửi bới, ra lệnh và chà đạp. Nói thật, tôi chẳng thấy anh có chút tôn trọng nào cho vợ nữa. Hôm nay, tôi cũng trả lại cho anh sự không tôn trọng đó. Chấm dứt đi".
Ngày 22 Tết, Thảo nói những câu mà có lẽ cô tập dượt cả trăm lần trong lòng. Hùng từ mặt đỏ gay chuyển sang tái mét, mấy ông bạn bắt đầu chữa cháy nhưng Thảo đã mệt. Với hôn nhân, đâu phải cứ nhịn là giải quyết được vấn đề.
Nhiều người cho rằng trong mối quan hệ hôn nhân, người nói có người nghe, một người nhu một người cương, một người nóng tính một người biết nhịn thì mới có thể hòa hợp. Tuy nhiên, có lẽ nó chỉ hòa hợp và yên bình nếu như vợ và chồng biết suy nghĩ và tính chất luân chuyển của cách ứng xử có thể đổi chỗ cho nhau.
Vợ chồng với nhau nên nhìn nhận và nắm giữ vai trò trên một cán cân công bằng. Cả hai cần có sự tôn trọng, thấu hiểu. Nếu như cán cân bị lệch, nó chắc hẳn sẽ gây ra những mâu thuẫn tiềm tàng. Đến khi bùng nổ thì làm sao còn cứu vãn được nữa.
Người ta cứ nghĩ phụ nữ là nhân vật nên nhịn nhục trong cuộc hôn nhân. Nhịn có thể giải quyết được vấn đề nhất thời nhưng đồng thời, nó cũng sẽ làm dày lên những mâu thuẫn, những nút thắt không thể nào giải quyết được.
Một sợi dây chun kéo quá thì đứt, sức chịu đựng cũng như vậy. Chẳng có ai có thể nhịn nhục được cả một đời. Đến khi họ hiểu ra điều đó, vùng lên để đấu tranh cho chính bản thân mình thì cũng là lúc một cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Thay vì nhịn, ngay từ đầu phụ nữ hãy biết cách lên tiếng. Đừng bao giờ nuông chiều những thói quen ích kỷ của đàn ông. Đôi khi, sự nhịn nhục và im lặng của bạn là chất xúc tác khiến cho cán cân trong mối quan hệ của hai vợ chồng ngày càng lệch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn