Bức ảnh kinh ngạc của tàu Ấn Độ cận Mặt Trăng, tàu Nga chụp được gì?

08:20 | 19/08/2023;
Chandrayaan-3 của Ấn Độ chụp cận cảnh Mặt Trăng trước khi hạ cánh.

Sau khi đi vào quỹ đạo Mặt Trăng ở khoảng cách gần nhất, Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã chụp được nhiều hình ảnh đáng kinh ngạc hơn về Mặt Trăng trước lần thử hạ cánh lịch sử của nó, sẽ diễn ra chỉ trong vài ngày tới, Space thông tin.

Tàu thăm dò đã chụp rất nhiều ảnh trên đường đi, ghi lại những khoảnh khắc quan trọng cho Ấn Độ nói riêng. Đơn cử, Chandrayaan-3 đã chụp một bức ảnh về các hố va chạm tại cực Nam Mặt Trăng vào ngày 17/8, và được ISRO chia sẻ hôm 18/8 trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Bức ảnh kinh ngạc của tàu Ấn Độ trên Mặt Trăng, tàu Nga chụp được gì? - Ảnh 1.

Một phần bề mặt của Mặt Trăng, chụp bởi tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ từ quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 17 tháng 8 năm 2023. Ảnh: ISRO

Bài đăng X đó có một video dài 31 giây, ghép nối một số hình ảnh được chụp ngày 17/8 bởi mô-đun hạ cánh của Chandrayaan-3. Hầu hết những bức ảnh đó cho thấy bề mặt Mặt Trăng với nhiều hố va chạm khổng lồ. 

ISRO đã đề tên cho một vài trong số rất nhiều hố va chạm mà tàu thăm dò đi qua, bao gồm cả Harkhebi và Giordano Bruno. 

Giordano Bruno là một hố va chạm có đường kính 22 km ở phía xa của Mặt Trăng. Nó nằm giữa các hố va chạm Harkhebi ở phía tây bắc và Szilard ở phía Đông Nam. Vành ngoài của hố va chạm Giordano Bruno đặc biệt sáng so với môi trường xung quanh. Dựa trên các bức ảnh từ quỹ đạo Mặt Trăng trước đây, tuổi của hố va chạm này được ước tính là 4 triệu năm. 

Việc do thám như vậy là một phần của công tác chuẩn bị cho nỗ lực hạ cánh của Chandrayaan-3, sẽ diễn ra vào ngày 23 hoặc 24 tháng 8 gần cực Nam Mặt Trăng. Nếu sứ mệnh đổ bộ thành công, đó sẽ là bước tiến rất lớn của Ấn Độ trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.

Chandrayaan-3 là sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng thứ ba và gần đây nhất trong Chương trình Chandrayaan của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO). Sứ mệnh này bao gồm một tàu đổ bộ tên là Vikram và một tàu tự hành tên là Pragyan.

Chandrayaan-3 được phóng vào ngày 14 tháng 7 mang theo nỗ lực thực hiện cuộc đổ bộ Mặt Trăng thành công đầu tiên của Ấn Độ. Bộ đôi tàu đổ bộ (Vikram và Pragyan) đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 5/8, thực hiện các cuộc di chuyển giảm quỹ đạo thành công trước đó và tách khỏi mô-đun đẩy của nó vào ngày 17/8 - Tất cả các nhiệm vụ đã qua nói lên rằng Chandrayaan-3 đã sẵn sàng cho cuộc hạ cánh lịch sử!

Chandrayaan-3 có ngân sách 6 tỷ Rupee (khoảng 72 triệu USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại). Nhiệm vụ có một tàu đổ bộ tên là Vikram, mang theo một chiếc rover nhỏ tên là Pragyan.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, bộ đôi robot sẽ khám phá trước tiên môi trường kỳ lạ của Mặt Trăng trong 1 ngày Mặt Trăng (bằngkhoảng 14 ngày Trái Đất) ngay sau khi hạ cánh. Vikram và Pragyan sẽ thu thập nhiều loại dữ liệu trước khi đêm tối lạnh giá bao phủ khắp vệ tinh này.

KHÔNG LOẠI TRỪ KỊCH BẢN THẤT BẠI

Tính cho đến nay, chỉ có Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc là những quốc gia đưa tàu đổ bộ thành công xuống bề mặt Mặt Trăng.

Chưa hết, chưa từng có tàu đổ bộ của nước nào hạ cánh gần cực Nam của Mặt Trăng - một khu vực được cho là giàu băng nước có thể duy trì sự định cư của con người. 

Tuy nhiên, Nga có thể đạt được thành tích đó trước Chandrayaan-3, bởi tàu thăm dò Luna-25 của Nga dự kiến sẽ hạ cánh gần cực Nam Mặt Trăng trong những ngày tới, có lẽ sớm nhất là vào ngày 21/8.

Ngày 17/8, Viện Nghiên cứu Không gian của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã công bố một hình ảnh về hố va chạm Zeeman ở khu vực cực Nam của Mặt Trăng ở vùng tối, được chụp vào khoảng 8 giờ sáng theo giờ Moscow. Chiều cao của Zeeman cao 8.000 mét so với bề mặt Mặt Trăng ở đó.

"Không thể nhìn thấy từ Trái Đất, hố va chạm Zeeman là một vật thể độc nhất trên bề mặt Mặt Trăng và rất được các nhà nghiên cứu quan tâm" - Viện Nghiên cứu Không gian Nga cho hay.

Bức ảnh kinh ngạc của tàu Ấn Độ cận Mặt Trăng, tàu Nga chụp được gì? - Ảnh 2.

Hố va chạm Zeeman trên Mặt Trăng. Ảnh xử lý: Viện Nghiên cứu Không gian của Viện Hàn lâm Khoa học Nga

Sứ mệnh Luna-25 là chuyến du hành lên Mặt Trăng đầu tiên của Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết. Nhiệm vụ ban đầu được dự định là hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) nhưng phút cuối ESA hủy kế hoạch tham gia. 

Nhiệm vụ Luna-3 của Liên Xô đã chụp được hình ảnh đầu tiên trong lịch sử về phía xa của Mặt Trăng vào tháng 10/1959.

Space bình luận, do độ khó của sứ mệnh - hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng trong bóng tối - nên có thể cả Nga và Ấn Độ phải chuẩn bị trước kịch bản thất bại. 

Mỗi nước sẽ cố gắng đưa một tàu vũ trụ không có phi hành đoàn lên khu vực chưa được khám phá này của Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học tin rằng băng nước bị chôn vùi trong các hố va chạm. Khu vực tối, âm u sẽ là mục tiêu khó khăn hơn nhiều so với các địa điểm trước đây do Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc lựa chọn - những quốc gia đã hạ cánh trong điều kiện sáng xung quanh đường xích đạo của Mặt Trăng.

Mặc dù đã 60 năm trôi qua kể từ cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng đầu tiên không phải của con người, việc hạ cánh an toàn vẫn là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, với chưa đến một nửa số nhiệm vụ thành công. 

Không giống như xung quanh Trái Đất, bầu khí quyển của Mặt Trăng rất mỏng, hầu như không tạo ra lực cản để làm chậm tàu vũ trụ khi nó tiếp cận mặt đất. Hơn nữa, không có hệ thống GPS nào trên Mặt Trăng có thể hoạt động để giúp hướng dẫn một con tàu đến điểm hạ cánh của nó.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn