Tiểu thuyết Chuyện phố xoay quanh chuyện gia đình ông Mưu, tái hiện cuộc sống của một gia đình "gốc" Hà Nội ở nơi tản cư; đặc biệt là sau khi ông "dinh tê" về thành, gà trống nuôi con xoay xở qua 2 cuộc chiến. Thái độ sống của ông Mưu - một nhà buôn chân chính, âm thầm biết trước biết sau mà lánh được những bão táp thời cuộc, rồi cả những mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ những hằn học và mưu toan giữa các con ông khiến cho nền tảng văn hóa truyền thống gia đình ngày một rạn nứt...
"Hà Nội trong Chuyện phố là Hà Nội của những con người, những số phận ba chìm bảy nổi từ nhiều vùng miền xa Hà Nội trôi dạt đến, sau bao năm chiến tranh. Bao trùm trong tiểu thuyết vẫn là không khí náo nức của công cuộc xây dựng và kiến tạo xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nói đến thật tình là công cuộc mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình", PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ.
PGS.TS Phạm Quang Long nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Trong thời gian công tác và giảng dạy, ông được nhiều thế hệ học trò mến mộ qua các bài giảng lý luận văn học đặc sắc.
Trước Chuyện phố, ông đã xuất bản các tiểu thuyết Lạc giữa cõi người (2016), Bạn bè một thuở (2017), Cuộc cờ (2018), Chuyện làng (2020), Mùa rươi (2020). Ông cũng viết hàng chục vở kịch, trong đó nhiều vở đã được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu như: Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nợ non sông, Những khoảnh khắc Hồ Chí Minh...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn