Theo National Trust, một tổ chức lớn nhất Âu châu về bảo vệ văn hóa và thiên nhiên, vào ngày 8/4/23, bức tượng Sabrina tại dinh thự Croome Court, ở Worcester, Anh, đã bị những kẻ phá hoại làm bẩn. Chúng đã dùng bút sáp màu xanh để vẽ bậy bạ lên mặt, cánh tay và phần thân bức tượng. Ngoài ra, đài tưởng niệm kiến trúc sư cảnh quan Capability Brown, người đã thiết kế dinh thự này, cũng chịu chung số phận.
National Trust đã phối hợp với các chuyên gia để làm sạch bức tượng Sabrina và đài tưởng niệm. Những vết bẩn trên bức tượng đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, đối với đài tưởng niệm, quá trình làm sạch các vết bút màu sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.
Theo tờ Birmingham Mail, nhiều bậc phụ huynh tin rằng vết bút sáp trông không giống như sản phẩm của một thiếu niên hay người lớn, mà giống như một đứa trẻ nghịch ngợm nào đó đã tô vẽ lên. Hiện tại, người ta vẫn chưa tìm được ra “thủ phạm”.
Bức tượng bị phá hoại
Người phát ngôn của National Trust cho biết, họ rất thất vọng trước những hành động vô ý thức của những kẻ phá hoại. Được biết, hầu hết du khách đến thăm quan nơi đây rất tôn trọng và giữ gìn các công trình.
Sau sự việc, một tấm biển hiệu đã được đặt trước bức tượng với nội dung “Chúng tôi vô cùng sốc khi bức tượng Sabrina bị phá hoại”.
Bức tượng Sabrina, được tạc từ đá Coade (một loại gốm được tạo ra từ hỗn hợp đất sét, đất nung, silicat, thuỷ tinh) bởi nhà điêu khắc John Bacon. Theo ước tính, bức tượng này được xây dựng vào giữa những năm 1780 hoặc 1802. Bức tượng khắc hoạ Naiade, một nữ thần nước trong thần thoại Hy Lạp. Cái tên “Sabrina” được đặt theo tiên nữ sông Severn, Anh.
Bức tượng tọa lạc trong khuôn viên của dinh thự Croome Court, một lâu đài xây dựng theo kiến trúc Neo-Palladian thế kỷ 18 với những khu vườn kiểng, được thiết kế bởi Capability Brown. Hiện tại dinh thự này thuộc sự sở hữu của tổ chức từ thiện Croome Heritage Trust từ tháng 10 năm 2007 và được National Trust thuê để sử dụng làm điểm thu hút khách du lịch.
Đầu năm nay, National Trust cho biết họ đã phải chi trả rất nhiều để làm sạch những hình vẽ trên bức tường ở đài tưởng niệm Pensaw 179 năm tuổi ở Sunderland sau khi những kẻ phá hoại tô vẽ những hình tục tĩu lên công trình này bằng sơn xịt màu xanh.
Một thực tế đáng buồn là những hành vi huỷ hoại, cố ý làm bẩn những di tích, những công trình kiến trúc như này không phải là hiếm gặp.
Plymouth Rock là một tảng đá đánh dấu địa điểm nơi mà những người hành hương trên chuyến tàu lịch sử Mayflower đến định cư tại Plymouth, Massachusetts, Mỹ vào năm 1962. Tuy nhiên địa điểm này đã bị phá hoại, có người nào đó đã phun sơn lên tảng đá vào tháng 2/2020. Bức tượng Pilgrim Maiden và đài tưởng niệm National Monument to the forefathers tại Plymouth cũng bị xịt sơn.
Một tác phẩm điêu khắc xấu số khác chính là The Bean (Hạt đậu) tại công viên Thiên niên kỷ, Chicago. Vào tháng 7/2019. Tác phẩm có tên gọi chính thức là Cloud Gate, được thiết kế bởi Anish Kapoor, một nhà điêu khắc người Anh nổi tiếng. Tác phẩm này đã bị tô vẽ những dòng chữ nguệch ngoạc lên bề mặt. Sau đó, 7 kẻ gây rối đã bị bắt vì tội phá hoại công trình công cộng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn