Đây có thể là sự kiện xếp hàng người lớn nhất thế giới. Sự kiện này diễn ra do những tranh cãi liên quan đến việc cho nữ giới tiếp cận ngôi đền thiêng Sabarimala ở bang Kerala.
Sự kiện nhằm chống lại bất bình đẳng giới, chống bạo lực và phản đối nỗ lực của nhóm cánh hữu ủng hộ lệnh cấm phụ nữ tới đền thờ.
"Đây là một cách tuyệt vời để thể hiện sức mạnh của phụ nữ. Tôi ủng hộ động thái cho phép phụ nữ mọi lứa tuổi bước vào đền thờ. Bất cứ truyền thống hay phong tục nào đều không có quyền ngăn cấm phụ nữ. Họ muốn cầu nguyện nà họ có quyền cầu nguyền", cô gái trẻ tham gia biểu tình Kavita Das nói.
"Sự kiện này không chỉ nói về Sabarimala. Tôi tin rằng phụ nữ và đàn ông đều có quyền bình đẳng", cô Tanuja Bhattadri chia sẻ.
Ấn Độ giáo coi phụ nữ có kinh nguyệt là ô uế và cấm họ tham gia các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các đền thờ tại Ấn Độ đều cho phép phụ nữ đi lễ nếu họ không trong thời kỳ kinh nguyệt thay vì cấm hẳn phụ nữ trong nhóm tuổi này vào đền thờ.
Tuy nhiên, ngôi đền đạo Hindu Sabarimala - Một trong những nơi được coi là linh thiêng nhất của người Hindu - từng cấm phụ nữ ở “độ tuổi có kinh nguyệt” bao gồm các bé gái từ 10 tuổi tới phụ nữ 50 tuổi không được phép vào bên trong. Mặc dù tòa án tối cao Ấn Độ đã bác bỏ lệnh cấm này tháng 9/2018 nhưng những tín đồ nam giới vẫn tấn công những phụ nữ hành hương về ngôi đền và ngăn không cho họ vào. Vụ việc gần nhất diễn ra hồi cuối tháng 12 khi một đám đông nam giới chặn 2 phụ nữ ở “độ tuổi có kinh nguyệt” vào địa điểm linh thiêng.
Rạng sáng 2/1/2019, cảnh sát đã cho phép hai người phụ nữ ngoài 40 tuổi vào ngôi đền và sau đó rời đi mà không bị những người phản đối phát hiện. Tuy nhiên, khi tin tức này được lan truyền, ngôi đền đã đóng cửa trong một giờ để làm nghi thức thanh tẩy. Những cuộc đụng độ bạo lực sau đó nổ ra giữa hai phe ủng hộ và phản đối động thái tại trước tòa nhà chính quyền ở Thiruvananthapuram.
Các nhà hoạt động nữ quyền đã lên tiếng ca ngợi việc hai phụ nữ đặt chân vào đền thờ. "Tôi khóc vì vui sướng khi xem hình ảnh họ đi vào đền thờ. Chúng tôi đã mất rất lâu để khẳng định vị trí và đưa mình vào lịch sử", cô Meena Kandasamy viết trên Twitter.