Bức xúc vì không đánh giá công việc bằng năng lực

17:13 | 17/05/2016;
Độc giả Trần Quang Hà (Bình Dương) cảm thấy chán nản vì khi đi thực tập, những người nỗ lực làm việc không được đánh giá cao bằng những người "dẻo mỏ" - được lòng sếp.
cong-so1.jpg
Trần Quang Hà lo trong tương lai sẽ phải làm việc trong môi trường, thước đo năng lực của mỗi người không dựa vào chuyên môn. Ảnh minh họa internet.

Tôi đang học năm thứ ba ở một trường đại học. Tôi được phân công thực tập tại một công ty cùng với 5 bạn khác. Thời gian đầu rất vui vẻ nhưng gần đây tôi bắt đầu cảm thấy vô cùng chán nản.

Lý do là vì dù chỉ là thực tập nhưng có 4 người rất nỗ lực làm việc, bạn còn lại thì “đủng đỉnh” như không. Đơn giản vì bạn ấy có hình thức, đẹp trai, có tài ăn nói nên rất được lòng cô trưởng phòng. Cô ấy còn nói, sẽ “xí” cậu ấy làm con rể vì cô có con gái vừa đậu đại học.

Vậy là dù không thể hiện được năng lực, cũng không hề áp dụng được những gì đã học vào thực tế, cậu ấy vẫn nghiễm nhiên được mọi người yêu quý. Và chắc chắn trong bản nhận xét thực tập, cậu ấy cũng sẽ có kết quả tốt, dù thực tế không thể hiện gì về chuyên môn trong quá trình thực tập. Trong khi đó, chúng tôi dù cố gắng, cũng rất có thể không nhận được lời nhận xét đẹp như của cậu ấy.

Tôi cảm thấy chán nản vì nghĩ, sau này, chúng tôi cũng phải sống trong môi trường làm việc kiểu này sao? Thước đo năng lực của mỗi người không phải là chuyên môn hay khả năng của họ, mà lại dựa vào hình thức và khả năng giao tiếp.

Tất nhiên, tôi hiểu, có hình thức, biết nói năng đúng là lợi thế nhưng không thể dựa vào đó để khẳng định người đó có năng lực hay không. Khi tôi chia sẻ điều này với má, má đã mắng tôi rằng, cứ lo mà làm tốt việc của mình, đừng bao đồng việc của thiên hạ, ai sao thì mặc họ.

Sao má tôi và những người lớn khác lại có suy nghĩ kỳ cục đến vậy? Nếu nghĩ như họ là đúng, nghĩa là tôi đã sai sao?

Mời độc giả cùng tham gia Thử làm Thanh Tâm "gỡ rối", giúp độc giả Quang Hà có cái nhìn lạc quan hơn vào tương lai!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn