Bùi Thị Thu Thảo hoãn sinh con 3 năm cho 'giấc mơ vàng' ASIAD

10:36 | 28/08/2018;
Chuẩn bị cho ASIAD 2018, Bùi Thị Thu Thảo đã phải xa gia đình, chồng và bố mẹ suốt 2 tháng để tập huấn. Vì quyết tâm theo đuổi và chinh phục con đường thể thao chuyên nghiệp, cô gái người Ba Vì (Hà Nội) này tuy kết hôn 3 năm nay nhưng vẫn thống nhất cùng chồng chưa vội sinh con.

Sau nhiều ngày chờ đợi, tấm Huy chương Vàng thứ 2 tại ASIAD 2018 đã đến với Đoàn thể thao Việt Nam. Tối 27/8, bằng nỗ lực không ngừng mệt mỏi, cùng với quyết tâm giành thành tích cao nhất mang vinh quang về cho Tổ quốc, Bùi Thị Thu Thảo với biệt danh “Thảo Bò Vàng” đã giành được Huy chương Vàng ở môn nhảy xa, sau tâm huy chương Vàng đầu tiên của 4 cô gái chèo thuyền môn Rowing: Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Huệ. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã quyết định thưởng “nóng” 50 triệu đồng, nhằm khích lệ, động viên kịp thời tình thần thi đấu quả cảm của vận động viện Bùi Thị Thu Thảo nói riêng và các vận động viên của các đội tuyển đang tham dự ASIAD 2018 nói chung. 

Cụ thể, bước vào chung kết môn Điền kinh nội dung nhảy xa nữ, Bùi Thị Thu Thảo đã xuất sắc mang về Huy chương Vàng với thành tích 6m55. Đây là tấm Huy chương Vàng môn điền kinh lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ ASIAD của thể thao Việt Nam. Thành tích này thực sự rất đáng tự hào. 

bui-thi-thu-thao.jpg
Bùi Thị Thu Thảo (giữa) đoạt Huy chương Vàng nhảy xa tại ASIAD 2018. Đây là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam có Huy chương vàng tại 1 kỳ Đại hội thể thao châu Á
 

Đánh giá về thành tích giành Huy chương Vàng tại ASIAD 2018 của vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, Phó tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, thành tích này của Thảo nằm trong kế hoạch và mục tiêu phấn đấu của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam trước khi lên đường tham dự ASIAD 2018. Bởi theo ông Hùng, nhảy xa nữ là nội dung mà Việt Nam đặt nhiều hy vọng nhất trong việc tranh chấp huy chương Vàng ở môn Điền kinh.

Tuy nhiên, ở đấu trường khắc nghiệt này, thành tích của các vận động viên đều ngang hàng như nhau, như vận động viên mạnh nhất Minjia Lu của Trung Quốc với thành tích tốt nhất là 6m79 và thành tích trong năm 2018 là 6m67.

Một vận động viên Trung Quốc khác là Xiaoling Xu cũng tương đối mạnh với thành tích đạt được 6m64. Với vận động viên Natalia Londa của đoàn chủ nhà Indonesia, đương kim vô địch ASIAD 2014, cũng là một đối thủ rất đáng gờm.

Thêm một đối thủ khác cũng không thể không kể đến là Nayana James của đoàn Ấn Độ với thông số 6m51. Với những đối thủ mạnh và có thông số thành tích gần như tương đồng nhau, cuộc chiến giành huy chương Vàng trên hố nhảy xa nữ rất khốc liệt, sự hơn thua được tính bằng cm. Ngoài chuyên môn, yếu tố may mắn sẽ đóng một vai trò không nhỏ trong thành tích của môn nhảy xa. 

b5c2a973e5dc04825dcd_zing.jpg
Cú nhảy xuất sắc của Thu Thảo. Ảnh: Zing
 

Không phụ lòng mong đợi từ người hâm mộ nước nhà, cùng với sự khát khao giành huy chương Vàng cháy bóng, Bùi Thị Thu Thảo đã thi đấu rất ấn tượng ở ngay lượt nhảy đầu tiên. Vận động viên quê Ba Vì (Hà Nội) này đã đạt thành tích 6,55m và dẫn đầu tới khi kết thúc phần thi để giành tấm huy chương Vàng sau khi vượt qua các đối thủ mạnh như Neena Varakil (Ấn Độ) và Xiaoling Xu (Trung Quốc) đều thi đấu không tốt, khi chỉ đạt thành tích 6,50m và 6,51m. 

Bùi Thị Thu Thảo từng là chủ nhân của tấm Huy chương Bạc tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), vận động viên nhảy xa này trước khi lên đường tham dự ASIAD 2018 ngập tràn quyết tâm và khí thế có thể đổi màu huy chương tại Đại hội lần này được tổ chức trên đất Indonesia. 

Trong 4 năm chờ đợi, Thảo đã nỗ lực rèn luyện kỹ năng nhảy xa, cũng như phấn đấu nâng thành tích của mình tại các giải đấu trong nước và khu vực. Cụ thể, tại SEA Games 2017, tại lượt nhảy thứ 4, Thảo đạt thành tích 6,68m, vượt xa người về Nhì là Maria Londa đến 0,21m.

Tại giải Điền kinh quốc tế TPHCM mở rộng lần thứ 25 diễn ra tháng 7 vừa qua, Thảo cũng giành được tấm huy chương Vàng với thành tích 6,55m. Dù con số này chưa cao so với những gì từng đạt được trong quá khứ nhưng Thảo vẫn tự tin trước khi lên đường tham dự ASIAD 2018. 

2_291551.jpg
Thu Thảo và chồng
 

Để chuẩn bị cho ASIAD 2018, Thảo đã phải xa gia đình, chồng và bố mẹ suốt 2 tháng để tập huấn. Vì quyết tâm theo đuổi và chinh phục con đường thể thao chuyên nghiệp, cô gái người Ba Vì này tuy kết hôn 3 năm nay nhưng vẫn thống nhất cùng chồng chưa vội sinh con. Cô cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình nhà chồng. Mẹ chồng cô thường xuyên gọi điện hỏi thăm và động viên những lúc cô tập luyện. Đây cũng là lý do khiến Thảo có thêm một động lực để hướng tới giành tấm huy chương Vàng cao quý nhất tại ASIAD năm nay. 

Sinh năm 1992 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Ba Vì (Hà Nội) nên Bùi Thị Thu Thảo sớm quen với vất vả, từ nhỏ cô đã phải phụ giúp bố mẹ làm nghề đóng gạch. Năm 14 tuổi, Thảo tình cờ được phát hiện sau một lần HLV Nguyễn Trọng Hổ xem giải đá cầu của tỉnh Hà Tây cũ.

Năm 2006, Thảo được được đưa lên tập luyện tập trung tại Hà Đông. Lương cho những vận động viên thời đó thấp vô cùng, hơn nữa lại bị xếp luyện tập vào cự ly dài vốn là "sở đoản", đồng thời thương bố mẹ, cô gái quyết định ra ngoài làm phụ hồ tại một công trường xây dựng.

Con đường thể thao tưởng như đã khép lại, thì bố Thảo lên tận Hà Nội bắt con gái trở lại với điền kinh. Tuy nhiên "phận bạc" chưa buông tha cô, những chấn thương liên tục từ đầu gối, bàn chân đến lưng hành hạ Thảo. Thậm chí đến năm 2012, Thảo không được thi đấu giải nào, có lúc cô đã có ý định từ giã sự nghiệp thi đấu.

Đến tận đợt tập trung cho ASIAD 2014, cô còn không có tên trong danh sách các vận động viên đi thi. Phải nhờ cú nhảy xuất thần tại giải quốc tế TPHCM, Thảo mới được xét đặc cách, rồi bất ngờ lập kỳ tích trên đất Hàn Quốc khi giành được tấm huy chương bạc.

Điều đáng chú ý là Thảo chỉ cao 1m65, chân không đạt chuẩn nhưng cô gái này vẫn có những bước nhảy kỳ diệu khi thi đấu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn