Bún làm bằng gạo nguyên chất, sợi bún có màu trắng đục, trắng ngà tự nhiên
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Tinopal là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy... vì có màu óng ánh, đẹp. Lâu nay để tăng độ dai cho bún, một số người sản xuất thường dùng hàn the và chất tẩy bột trắng sunfit. Song, gần đây, người ta còn sử dụng cả chất huỳnh quang nhằm làm cho bề mặt sợi bún bún có độ bóng, đẹp hơn. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm.
Việc sử dụng chất huỳnh quang cho thực phẩm là một hành động gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày... Ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.
Hàn the cũng là một hoá chất bị cấm sử dụng cho thực phẩm, bởi khi vào cơ thể, hàn the không đào thải hết mà tích tụ lại gây ngộ độc cấp tính với liều lượng thấp (khoảng 5g) và ngộ độc trường diễn làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận, gây rối loại chức năng, yếu ớt, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc...
Bằng cảm quan, để phát hiện 2 chất độc hại này trong bún người dùng cũng có thể lựa được loại bún “sạch” theo các dấu hiệu: Bún làm bằng gạo nguyên chất, sợi bún có màu trắng đục, trắng ngà tự nhiên như hạt gạo chứ không trong; mùi của bún chua dịu, không quá nặng mùi; sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn; khi dùng đèn pin soi vào hoặc nhìn kỹ dưới ánh mặt trời không thấy sáng óng ánh hoặc phản quang; khi ăn có vị của bột gạo như ăn cơm.
Trong khi đó, bún có hóa chất Tinopal nhìn rất trắng, bóng đẹp, để lâu khó thiu mà sẽ chuyển sang màu xanh, khô cứng. Còn bún chứa hàn the khi ăn thấy sợi bún giòn, dai hơn và không cảm thấy vị của bột gạo như ăn cơm.
Bún không chứa hàn the mua về để hơi lâu hoặc qua ngày sẽ bị chua và ôi thiu; còn bún, bánh phở có chứa hàn the có thể để 2-3 ngày mà chưa bị ôi thiu.