Bước chân không mỏi của người phụ nữ 20 năm đưa học sinh qua đường

20:08 | 19/03/2019;
Không quản ngại mưa nắng và nhiều khi còn bỏ cả công việc cá nhân, 20 năm qua, cứ đến giờ vào lớp và tan trường, bà Chu Thị Vanh (61 tuổi, thôn Tân Thuận, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại có mặt tại cổng trường Tiểu học Cẩm Thịnh để dẫn các em học sinh băng qua quốc lộ 1A một cách an toàn.
"Vì bọn trẻ cũng như con cháu của mình"
 
Trường tiểu học Cẩm Thịnh nằm sát bên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên. Hàng ngày, lượng xe cộ qua lại trên đoạn đường này rất lớn, khu vực ngã tư gần cổng trường lại là một điểm đen về tai nạn giao thông. Để đến trường và về nhà mỗi ngày, có rất nhiều học sinh của Trường tiểu học Cẩm Thịnh phải đi ngang qua quốc lộ, nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao, khiến không ít phụ huynh lo lắng. Dẫu vậy, vì mưu sinh, không nhiều bố mẹ có thể đưa đón con hàng ngày mà chỉ có thể dặn dò các cháu cẩn thận mỗi khi đến trường.
 
 
1-copy.jpg
20 năm qua, bà Vanh luôn có mặt tại cổng trường để dẫn các em học sinh băng qua quốc lộ 1A một cách an toàn
Thế nhưng, bắt đầu từ 20 năm trước, khi bà Chu Thị Vanh tình nguyện dắt các em học sinh qua đường thì mối lo đó đã giảm đi đáng kể. Theo lời bà Vanh, mọi chuyện bắt đầu vào năm 2000, khi bà được nhận vào làm bảo vệ cho Trường tiểu học Cẩm Thịnh. Phòng bảo vệ ở ngày sát cổng trường, hàng ngày, ngồi trong phòng, bà thường thấy các em đi bộ hoặc đi xe đạp băng qua ngã tư để đến trường hoặc về nhà. Ở gần cổng trường có biển báo trường học, các phương tiện mỗi lần lưu thông qua đây thường phải giảm tốc độ, kéo còi để cảnh báo.
 
Vì tuổi còn nhỏ nên nhiều lúc các em mải vui đùa, chưa cẩn thận nhìn trước ngó sau, có khi thì chạy băng qua, có khi lại mải mê trêu ghẹo nhau.Thậm chí, nhiều xe phải dừng đột ngột vì một số em bất ngờ băng qua đường ngay phía trước đầu xe. Đứng trong phòng bảo vệ nhìn ra, nhiều lần bà thót tim khi thấy ô tô đi tới. “Có khi mình đang đứng trong này mà mình phải kêu to lên cho các cháu đừng qua”, bà Vanh nói.
 
Thế rồi, thay vì chỉ đứng nhìn và lo lắng, bà quyết định trực tiếp dắt tay các em qua đường. Việc này chẳng có trong hợp đồng bà ký với trường khi được nhận vào làm bảo vệ, cũng chẳng có ai nhờ cậy nhưng bà vẫn tự nguyện làm. Với bà, các em cũng như con cháu ở nhà và việc này cũng không phải nặng nhọc gì. Kể từ đó đến nay, đã 20 năm, mỗi ngày bà Vanh đều có mặt ở “điểm hẹn” này để dắt tay, dẫn đường cho các em. Từ sớm khi gần đến giờ vào học, bà Vanh đã ở đây và chỉ khi tốp học sinh cuối cùng qua đường an toàn vào cuối ngày, bà mới yên tâm trở lại làm công việc bảo vệ trường. Có những ngày gia đình có việc, bà Vanh vẫn tranh thủ có mặt đúng giờ để làm “nhiệm vụ” của mình.
 
0.jpg
Để đến trường và về nhà mỗi ngày, có rất nhiều học sinh phải đi ngang qua quốc lộ, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao
Hình ảnh người phụ nữ cao tuổi trong bộ quần áo giản dị ngày ngày dắt tay từng tốp học sinh qua đường đã trở nên quen thuộc với người dân sống hai bên đường. Mỗi khi qua đây, bà đều cẩn trọng quan sát kỹ lưỡng, đến khi không còn phương tiện nào đi qua, bà mới dẫn đường cho các em. Có những học sinh đi xe đạp, đến giờ tan học liền “tập kết” thành từng tốp nhỏ ngay trước cổng trường, chờ bà Vanh ra hiệu lệnh. Chỉ khi nghe tiếng hô “Đi” của bà thì các em mới nhanh chóng sang đường. “Ngã tư này chưa có đèn tín hiệu, các phương tiện qua lại thường xuyên, nếu không có người hướng dẫn và dắt các em qua thì rất nguy hiểm”, bà Vanh chia sẻ.
 
Còn sức thì còn đi
 
Chính vì sự tận tâm và không quản ngại ấy của mình, bà Vanh được các học sinh và phụ huynh ở đây rất quý mến. Các em học sinh lúc nào hết giờ học cũng chạy đến, tíu tít kể chuyện với bà. Ông Phan Xuân Tiến (74 tuổi), có cháu học tại Trường tiểu học Cẩm Thịnh, cho biết, trước đây tại khu vực ngã tư này, năm nào cũng xảy ra tai nạn giao thông có người chết, đó là chưa kể các vụ va chạm khiến nhiều người dân và các em học sinh bị thương. Nhưng kể từ ngày có bà Vanh đứng ra dắt học sinh qua đường thì không còn xảy một vụ tai nạn giao thông nào.
 
“Ngã tư này hàng ngày xe chạy qua ầm ầm, ngồi trong nhà nhìn ra cũng thấy sợ rồi nhưng bà ấy không quản ngại ngày nào cũng đưa các cháu qua đường không biết bao nhiều lần như vậy. Những phụ huynh như chúng tôi rất cảm kích và biết ơn bà”, ông Tiến nói.
 
9.jpg
Hình ảnh người phụ nữ cao tuổi trong bộ quần áo giản dị ngày ngày dắt tay từng tốp học sinh qua đường đã trở nên quen thuộc với người dân xã Cẩm Thịnh
Cô Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thịnh, bày tỏ sự cảm phục với những hành động thầm lặng của bà Vanh. Không những làm tốt công việc bảo vệ trường học mà suốt 20 năm qua, chưa một ngày nào bà Vanh vắng bóng để đưa các em học sinh qua đường, công việc mà có nhiều người vẫn nghĩ là “vác tù và hàng tổng”. Theo lời cô, với một số em học sinh nhà ở xa, bà Vanh còn nấu cơm buổi trưa để các em ăn cho kịp giờ học buổi chiều. “Không phải ai cũng làm được như vậy”, cô Hạnh chia sẻ.
 
Vốn là người kiệm lời, bà Vanh hầu như không chia sẻ nhiều về những việc bà đang làm. Bà chỉ nói rằng, để gắn bó với công việc này, bà rất biết ơn chồng và các con đã ủng hộ mình. Không biết có thể làm đến bao giờ, nhưng bà Vanh luôn tâm niệm, chỉ cần còn sức thì bà sẽ còn đến với các em. Với bà, mỗi ngày, nhìn các em học sinh an toàn qua đường, nhìn những nụ cười và ánh mắt ngây thơ của các em đã là hạnh phúc và là phần thưởng mà bà mong muốn nhất.
 
Tiếng trống hết giờ vang lên rộn rã, học sinh ùa ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ. Trước cổng trường, người phụ nữ mái tóc đã điểm bạc trong bộ đồ màu nâu giản dị, đã đứng đó, chờ các em.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn