Bước chuyển mình của vùng đồng bào Mường khi thành công dân Thủ đô - Bài cuối: Nghị quyết thành công, đồng bào hưởng lợi

13:58 | 23/10/2024;
Việc ban hành nghị quyết đúng và trúng sẽ được người dân hưởng ứng triệt để và là tiền đề để nghị quyết đi vào cuộc sống. Khi nghị quyết thành công, người hưởng lợi đầu tiên chính là người dân.
Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Thạch Thất sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (đồng bào dân tộc Mường chiếm 94,66%). Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc. 

Do vậy, tình hình sản xuất kinh doanh, văn hóa, giáo dục, y tế… vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện có những bước tiến vững chắc.

Theo đó, huyện Thạch Thất tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. 

Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện để đồng bào người DTTS tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong giai đoạn 2019-2024, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thạch Thất đã tăng cường chỉ đạo hệ thống chính trị huyện tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, ban, ngành của huyện, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào DTTS miền núi. 

Triển khai đầu tư 32 dự án trên địa bàn 3 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi 628,31 tỷ đồng. Tập trung vào các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám đa khoa, trụ sở làm việc của Đảng ủy-HĐND-UBND các xã, trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi, xây dựng chợ, điện chiếu sáng.

Đến nay, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS ở 3 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản đảm bảo. 100% các xã có trung tâm học tập cộng đồng, 10/12 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,33%. 

Cả 3 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS. 

Bước chuyển mình của vùng đồng bào Mường 
khi thành công dân Thủ đô - Bài cuối: Nghị quyết thành công, đồng bào hưởng lợi- Ảnh 1.

Trang trại rau hữu cơ Hoa Viên rộng 60 ha ở xã Yên Bình (huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Các hộ gia đình đồng bào DTTS ở 3 xã miền núi còn được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Kinh tế đi lên, bản sắc văn hóa càng được phát huy

Sau khi hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 - 2016, các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung tiếp tục thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. 

Đến nay, xã Tiến Xuân có 8/19 tiêu chí đạt và 11/19 tiêu chí cơ bản đạt; xã Yên Trung có 8/19 tiêu chí đạt và 11/19 tiêu chí cơ bản đạt; xã Yên Bình có 10/19 tiêu chí đạt và 9/19 tiêu chí cơ bản đạt. Thu nhập bình quân đầu người tại 3 xã năm 2023 đạt 73 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt chú trọng, quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tiêu biểu của đồng bào DTTS bằng Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 - 2020". 

Đến nay, trên địa bàn 3 xã miền núi đã có trên 50 bộ chiêng Mường; duy trì hoạt động thường xuyên 17 đội chiêng Mường; tổ chức 11 lớp truyền dạy, tập huấn chiêng Mường với trên 860 lượt người tham dự. 

Các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào đã góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào DTTS và miền núi, nhân dân ý thức được giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

"Là con gái Mường nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, tôi mới biết mặc bộ váy của dân tộc mình. Hiện tại, không chỉ phụ nữ Mường mà 100% phụ nữ trong xã ai cũng có một bộ váy Mường bởi các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao… mang nét đặc trưng của người Mường rất phát triển. 

Ngày trước, vì kinh tế kém phát triển, văn hóa Mường bị mai một nhưng nay đang phát triển rực rỡ", bà Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, chia sẻ.

Ông Bùi Văn Đáng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Yên Bình, cũng cho rằng, đời sống được nâng cao, các phong trào văn hóa - thể thao rất được quan tâm. 

"Chúng tôi thường xuyên tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ, không chỉ trong huyện mà giao lưu với huyện khác. Xã có 6 thôn, thôn nào cũng có CLB cồng chiêng. Tại các nhà văn hóa thôn, chiều nào cũng tập bóng chuyền, cầu lông, tập dưỡng sinh… Đời sống từ vật chất đến tinh thần của người dân rất tốt", ông Đáng nói.

Những năm qua, kinh tế các xã vùng DTTS và miền núi huyện Thạch Thất đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất các xã miền núi đến năm 2023 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Cơ cấu giá trị các ngành tiếp tục tăng trưởng tích cực theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ - du lịch; giảm tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. 

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn văn hóa đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, tại 3 xã miền núi có 17/17 thôn đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn