Bước thụt lùi trong nói không với thực phẩm bẩn cho trẻ em?

06:54 | 12/04/2018;
Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo của các bậc cha mẹ. Thế nhưng với mức phạt 10 - 15 triệu đồng nêu trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thay thế quy định hiện hành về hành vi bán hoặc cho trẻ em sử dụng thực phẩm bẩn lại cho thấy như một bước thụt lùi.

Mới đây, Bộ Lao động, thương binh và xã hội xây dựng dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em để thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, dự thảo quy định: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em”.

Trong khi đó, tại Điểm đ, Khoản 3 Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP đã quy định: “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đ) Không bảo đảm đầy đủ khẩu phần ăn của trẻ em hoặc sử dụng những thực phẩm, hóa chất trái với quy định của pháp luật để chế biến thức ăn cho trẻ em, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.”

Như vậy, nếu so sánh về mức phạt tiền, dự thảo Nghị định đưa ra mức phạt tiền là từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em là thấp so với Điểm đ, Khoản 3 Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP hiện hành.

thuc-pham-ban.jpg
Hàng rong bủa vây trường học tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm với trẻ em. Ảnh: Lê Bảo

Để có sự tương xứng, thống nhất trong chế tài xử phạt, thiết nghĩ cần nâng chế tài phạt tiền trong dự thảo Nghị định xử phạt hành chính đối với hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

Vấn đề thực phẩm bẩn đang là vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm. Để cho trẻ em được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất mà gia đình, xã hội mang lại thì nhà nước phải có những chế tài pháp luật nghiêm minh, xử phạt nặng những hành vi kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung và trẻ em nói riêng. Vì vậy, nếu không có chế tài pháp luật đủ mạnh thì tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, làm méo mó thị trường kinh doanh.

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị trẻ em xâm phạm đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này.”
(Điều 32 Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn