Chinh phục vũ trụ - Những bước tiến vượt bậc của nhân loại
Mặt Trăng cách Trái đất hơn 384.000 km. Tuy nhiên, với loài người, hành tinh này vẫn là một trong những điều kỳ ẩn lớn nhất. Khám phá Mặt Trăng luôn là một trong những niềm khát khao lớn nhất và con người đã không ngừng hiện thực hóa ước vọng ấy của mình.
Sứ mệnh Apollo 11 được lên ý tưởng từ lời kêu gọi của Tổng thống John Kennedy trong một phiên họp của Quốc hội ngày 25/5/1961. Vào thời điểm đó, Mỹ đang trong giai đoạn chiến tranh lạnh với Liên Xô. Cả hai cường quốc chạy đua với nhau về nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ vũ trụ. Tổng thống Mỹ mong muốn thực hiện một chuyến đi đưa con người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn.
Sự kiện Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng được hơn 600 triệu người theo dõi trên khắp thế giới qua sóng truyền hình trực tiếp, trong đó có miền nam Việt Nam. Cách đây một nửa thế kỷ, ngày 16/7/1969, tàu Apollo 11 đưa các nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong, Buzz Aldrin cùng Michael Collins thực hiện sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng chưa từng có tiền lệ. Sự kiện này khi đó gây chấn động thế giới, đánh dấu bước nhảy vọt của ngành hàng không vũ trụ Mỹ so với các nước trên thế giới.
Sau khi mất 76 giờ đi hơn 386.000 km trong không gian, Apollo 11 đã đến quỹ đạo Mặt Trăng ngày 19/7/1969. Sau đó, module Eagle được điều khiển bởi Armstrong và Aldrin được tách ra khỏi module chỉ huy. 2 giờ sau, Eagle đã đến bề mặt của Mặt Trăng vào 20 giờ 17 phút (giờ UTC). Ngay lập tức, Armstrong thông báo qua vô tuyến cho trạm mặt đất ở Houston, Texas rằng "Đại bàng đã hạ cánh." Đúng 2 giờ 39 phút (giờ UTC), Armstrong đã mở cửa hầm module và chuẩn bị bước xuống bên dưới, sớm hơn 5 tiếng so với lịch trình. 2 giờ 56 phút, Armstrong đặt chân lên bề mặt bụi bặm của Mặt Trăng. Trong những bước đi đầu tiên, ông đã nói lên câu nói bất hủ: "Đó là một bước chân nhỏ của một người, nhưng là một bước tiến lớn của nhân loại".
Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng vào 19 phút sau đó, họ cùng nhau khám phá, thu thập mẫu vật để đem về Trái Đất nghiên cứu, thử nghiệm một số thí nghiệm đơn giản và trò chuyện với Tổng thống Richard Nixon từ Houston. 5 giờ 11 phút, cả hai lên module và quay về tàu vũ trụ và họ đã hạ cánh an toàn trên Thái Bình Dương.
Sau Apollo 11, còn 5 sứ mệnh khác đưa con người lên Mặt Trăng và tất cả đều thành công. Người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng là phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt trên sứ mệnh Apollo 17 vào 14/12/1972. Từ đó đến nay, không có ai lên Mặt Trăng nữa.
Những bước chinh phục vũ trụ của nữ giới
Theo NASA, trong số 537 người bay vào vũ trụ trên toàn thế giới, có 64 phụ nữ. Chỉ riêng các nhà du hành của NASA làm việc trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) lên tới 129 người, trong đó có 26 phụ nữ.
Ngày 16/6/1963. nữ phi hành gia Xô Viết Valentina Tereshkova bay quanh quỹ đạo trái đất trong 3 ngày. Trong thời gian đó, tàu bay quanh trái đất 48 lần. Tereshkova đã liên lạc với Phương Đông 5, một phi thuyền khác trong vũ trụ và thực hiện nhiều thử nghiệm. 19 năm sau, Nga mới đưa người phụ nữ thứ hai vào vũ trụ. Ngày 25/7/1984, Svetlana Saviskaya tiếp tục tham gia thám hiểm vũ trụ. Việc Svetlana Savitskaya rời tàu vũ trụ bước vào khoảng không là một sự kiện lịch sử trong công cuộc nghiên cứu không gian của con người từ Trái đất.
Tháng 6/1983, nữ phi hành gia NASA Sally Ride đã trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ trong sứ mệnh STS-7 của tàu con thoi vũ trụ Challenger. Bà Kathy Sullivan cũng đã bước đi ngoài vũ trụ khi tháng 10/1984. Nhà hóa học người Anh Helen Sharman là người Anh đầu tiên có mặt trên vũ trụ khi bà lên thăm trạm vũ trụ Mir trên tàu Soyuz TM-12 hồi năm 1991. Nhà du hành NASA Mae Jemison đã bay trên tàu con thoi vũ trụ Endeavour tháng 9/1992, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên bay vào vũ trụ.
Roberta Bondar là nhà du hành nữ đầu tiên người Canada khi bà bay trong sứ mệnh tàu con thoi vũ trụ STS-42 năm 1992. Ngày 8/7/1994, giấc mơ chinh phục không gian của giấc mơ chinh phục không gian của nữ bác sĩ, phi hành gia Nhật Bản Chiaki Mukai trở thành hiện thực. Tàu vũ trụ Colombia F17 trong chuyến du hành vũ trụ mang tên STS¬65 được phóng lên từ mũi Canavaral mang theo 7 phi hành gia thuộc các quốc gia khác nhau. Chiaki Mukai là người phụ nữ duy nhất trong phi hành đoàn và là người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ. Lúc ấy, bà lập kỷ lục chuyến bay kéo dài nhất được thực hiện bởi một nhà du hành nữ. Không dừng lại ở đó, nước Nhật lại càng tự hào hơn khi Chiaki Mukai một lần nữa được lựa chọn vào đoàn du hành vũ trụ của tàu Discovery trong chuyến du hành vũ trụ mang tên STS¬95 thực hiện vào tháng 10/1998. Cùng với những người phụ nữ chinh phục không gian khác, Chiaki Mukai đã chứng minh rằng phụ nữ có thể làm được tất cả nếu họ có đủ nghị lực, quyết tâm và lòng say mê cống hiến.
Nhà du hành người Hàn Quốc Yi So-yeon đã trở thành người Hàn Quốc đầu tiên bay lên vũ trụ trong sứ mệnh Soyuz TMA-12 của Nga lên trạm ISS tháng 4/2008. Nhà du hành nữ đầu tiên của Trung Quốc Liu Wang cùng tàu Thần Châu 9 bay thành công lên quỹ đạo ngày 19/6/2012 từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Tiến sĩ Claudie Haignere là người phụ nữ Pháp đầu tiên từng bay lên vũ trụ khi bà đến thăm trạm vũ trụ Mir của Nga hồi năm 1996. Còn nhà du hành Mỹ Eileen Collins là người phụ nữ đầu tiên nắm quyền tổng chỉ huy một sứ mệnh tàu con thoi, một vai trò đòi hỏi người đảm nhiệm phải có tối thiểu 1.000 giờ kinh nghiệm lái máy bay phản lực hoa tiêu. Collins chỉ huy sứ mệnh tàu con thoi vũ trụ STS-93 vào tháng 7/1999, và tiếp tục làm chỉ huy lần thứ hai tháng 7/2005.
4 người phụ nữ đã cùng làm việc trên ISS ngày 14/4/2010 là thời điểm có nhiều phụ nữ trên vũ trụ nhất. Đó là các nhà du hành Dorothy Metcalf-Lindenburger, Stephanie Wilson, Tracy Caldwell Dyson và Naoko Yamazaki.
Người thực hiện chuyến bay vũ trụ một mình lâu ngày nhất là nhà du hành NASA Sunita Williams. Bà đã sống và làm việc trên quỹ đạo trong 195 ngày trên ISS năm 2007.
Còn bà Peggy Whitson là nữ phi hành gia lớn tuổi nhất trong lịch sử khám phá không gian của con người. Bà là người phụ nữ đầu tiên nắm quyền thống lĩnh trạm ISS tháng 4/2008. Bà đã chỉ huy sứ mệnh Viễn chinh 16 của trạm với 6 tháng phục vụ trên quỹ đạo và giữ kỷ lục đi bộ ngoài không gian lâu nhất. Ngày 3/9/2017, ở tuổi 57 tuổi, nữ phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson đã trở về trái đất an toàn và lập nhiều kỷ lục đáng ngưỡng mộ. Bà đã trở thành nữ phi hành gia đi bộ ngoài không gian nhiều nhất trong lịch sử chinh phục không gian của thế giới.
Trong 288 ngày trên trạm ISS, phi hành gia Whitson đã 4 lần thực hiện sứ mệnh đi bộ ngoài không gian. Tính ra bà Whitson đã lơ lửng trong không gian trên đoạn đường dài 196,7 triệu km và bay vòng quanh trái đất đến 4.623 lần. Tháng 4/2017, bà Whitson đã phá kỷ lục 584 ngày thời gian tích lũy sống trong không gian của Mỹ. Với lần trở về an toàn này, bà Whitson đã có 665 ngày sống trong vũ trụ, nhiều hơn mọi phi hành gia Mỹ trong lịch sử. Trong sứ mệnh trên ISS, với chuyên môn là một nhà sinh vật học, bà Whitson đã dành phần lớn thời gian để tiến hành các thí nghiệm, bao gồm nghiên cứu mô ung thư phổi, tế bào xương, tế bào máu.
Bà Julie Payette từng là trưởng phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) từ năm 2001 đến năm 2007. Bà đã tham gia 2 chuyến bay tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) với tổng số 611 giờ bay trên tàu con thoi Discovery (năm 1999) và Endeavour (năm 2009). Năm 2017, cựu nữ phi hành gia Julie Payette đã đảm nhiệm chức vụ toàn quyền Canada - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Canada.
Tròn 50 năm sau chuyến du hành của Apollo 11, NASA đang chuẩn bị đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng năm 2024. Chương trình có tên Artemis (em gái song sinh của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp - biểu tượng của Mặt trăng khuyết). NASA tuyên bố rằng họ sẽ đưa nữ phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2024. Kế hoạch đổ bộ lên Mặt Trăng này là một phần của việc thử nghiệm công nghệ để đưa con người lên sao Hỏa.
Ngoài ra, cô bé Alyssa Carson (18 tuổi) đang được NASA đào tạo để đến năm 2033, Alyssa sẽ là một trong những người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa và thử sống ở trên đó từ 2 đến 3 năm. Tại đây, nữ phi hành gia này sẽ mang sứ mệnh nghiên cứu, trồng trọt thực phẩm, thực hiện những thí nghiệm khoa học và tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống trong khoảng thời gian 2-3 năm.