Nhờ vào nỗ lực hướng tới bình đẳng giới trong quá trình hoạch định chính sách, phụ nữ Maroc ngày càng có nhiều cơ hội để tham gia vào các hoạt động chính trị - đối ngoại cấp quốc gia. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ tiếp tục yêu cầu Chính phủ Maroc tăng cường nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm cả việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quyền lực và bằng cách thúc đẩy tầm nhìn của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị và văn hóa.
Bên cạnh nhiệm vụ hoạch định chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Maroc cũng đã ghi dấu những thành công trong việc đa dạng hóa lực lượng lao động, hướng tới đẩy mạnh bình đẳng giới. Khi ngoại giao Maroc tiếp tục nỗ lực đóng góp cho hòa bình chung cũng như quyền con người, thì việc bổ nhiệm các nữ đại sứ là một cột mốc quan trọng. Trong vài năm gần đây, nước này đã chú trọng đến việc tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là với tư cách đại diện cấp cao của ngoại giao Maroc. Những phụ nữ này kiên quyết bảo vệ những lợi ích quan trọng nhất của Maroc và đưa ra thuyết phục về sự trỗi dậy của đất nước này với tư cách là một nhà lãnh đạo châu lục có tiếng nói quyết đoán trên trường thế giới. Là một phần trong sứ mệnh của mình, những người phụ nữ này thường nhắc lại quan điểm kiên định của đất nước về các ưu tiên và lợi ích chiến lược, bao gồm cả việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
Một điểm quan trọng trong tầm nhìn về phụ nữ của Maroc xuất phát từ quan điểm cho rằng, Maroc có xu hướng giao cho phụ nữ những vị trí nổi bật và đánh giá cao những đóng góp của họ trong việc hiện thực hóa tầm nhìn "Maroc mới" của chính phủ. Điều đáng trân trọng là Maroc đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ bằng cách bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả phụ nữ Maroc, đặc biệt là các nhà ngoại giao nữ đi đầu trong quá trình đối ngoại, giúp quan hệ hợp tác giữa Maroc và các nước đạt được những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong khi đó, một số nữ đại sứ Maroc đã bày tỏ sự biết ơn với quyết định của Vua Mohammed VI đặt việc trao quyền cho phụ nữ nằm trong số các ưu tiên hàng đầu của ông. Bà Karima Benyaich - Đại sứ Maroc tại Tây Ban Nha - đánh giá cao về những cải cách chính trị và xã hội gần đây của Maroc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. "Sự gia tăng số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí trách nhiệm cao trong chính quyền Maroc và đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao phản ánh hoàn toàn động lực mà Maroc hướng tới. Đó là cam kết của Vua Mohammed VI đề ra trong hội nghị về nữ lãnh đạo năm 2020", bà Benyaich nhấn mạnh.
Hiện nay, nước này bổ nhiệm số lượng nữ đại sứ nhiều nhất trong lịch sử với tư cách là đại diện của Maroc trên toàn thế giới. Từ năm 2015, Vua Mohammed VI đã bổ nhiệm bà Lalla Joumala Alaoui làm nữ đại sứ đầu tiên của Maroc tại Mỹ. Sinh năm 1962 tại Rabat, bà Lalla Joumala theo học tại Trường Cao đẳng Hoàng gia Maroc, sau đó theo học tại Đại học London (Anh). Năm 2003, bà thành lập Hiệp hội Anh-Maroc để tăng cường hiểu biết văn hóa giữa Vương quốc Anh và Maroc. Bà cũng từng đại diện cho Maroc với tư cách là đại sứ tại Vương quốc Anh.
Còn bà Karima Benyaich đã làm đại sứ của Maroc tại Bồ Đào Nha năm 2008-2011. Bà tiếp tục được Vua Mohammed VI bổ nhiệm làm đại sứ Maroc tại Tây Ban Nha từ năm 2018. Bà có bằng Tiến sĩ Danh dự Causa của Đại học Nova de Lisbonne và bằng Thạc sĩ Kinh tế của Đại học Montreal (Canada). Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí tại Bộ Ngoại giao Maroc trước khi được bổ nhiệm làm đại sứ.
Bà Zouhour Alaoui nằm trong số 14 đại sứ mà Vua Mohammed VI đã bổ nhiệm năm 2018 để đại diện cho Maroc tại các quốc gia khác nhau. Nhà vua bổ nhiệm bà lãnh đạo phái bộ ngoại giao của Maroc tại Berlin (Đức). Trước đó, bà Alaoui đã đại diện cho Maroc ở Thụy Điển từ năm 2006 đến 2011. Bà cũng từng là đại sứ không thường trú tại Cộng hòa Latvia. Nhà ngoại giao nữ này có bằng Thạc sĩ Nghệ thuật của Đại học Georgetown (Washington D.C, Mỹ) và bằng Cử nhân Luật công của Đại học Mohammed V ở Rabat.
Sinh tháng 10/1956, bà Souriya El Othmani là đại diện ngoại giao của Maroc tại Canada từ năm 2018. Bà từng là tổng lãnh sự của Maroc tại Montreal (Canada) năm 2004 và là đại sứ của Maroc tại Cộng hòa Séc năm 2011. Trong khi đó, bà Nezha El Alaoui El M’hamddi gia nhập Bộ Ngoại giao Maroc từ năm 1989. Trong lần triển khai hoạt động ngoại giao đầu tiên ở nước ngoài năm 1993, bà giữ vai trò cố vấn kinh tế cho đại sứ Maroc tại Rome (Italia). Bà cũng từng là đại sứ tại Ghana năm 2013. Bà hiện là đại sứ của Maroc tại Ethiopia và Djibouti.
Bà Imane Ouaadil gia nhập Bộ Ngoại giao Maroc từ năm 2003, nơi bà đảm nhiệm nhiều vị trí, bao gồm cả vị trí Trưởng ban Đặc quyền và Miễn trừ ngoại giao từ năm 2003 đến 2005. Từ năm 2005 đến 2007, bà Ouaadil là cố vấn cho Cục Quan hệ và Ngoại giao Công chúng với các tổ chức phi chính phủ. Vua Mohammed VI đã bổ nhiệm bà Imane Ouaadil làm đại sứ Maroc tại Ghana năm 2019.
Quốc vương đã bổ nhiệm bà Farida Loudaya làm đại sứ ở cả Colombia và Ecuador từ năm 2016. Bà Loudaya tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia ở Paris (Pháp) và chứng chỉ giáo dục đại học về khoa học chính trị từ khoa Pháp lý, Kinh tế và Khoa học Xã hội của Đại học Mohammed V ở Rabat. Bà từng là tham tán phụ trách các vấn đề kinh tế tại Đại sứ quán Maroc ở Hà Lan từ năm 2000 đến năm 2002. Bà cũng từng là trưởng Vụ Nam-Đông Âu tại Tổng cục Các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Maroc năm 2008.
Bên cạnh đó, bà Karima Kabbaj là đại sứ của Maroc tại Hungary từ năm 2016. Trước khi thực hiện nhiệm vụ tại Budapest, bà Kabbaj phụ trách giám sát các mối quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và đàm phán Hiệp định Liên minh Maroc-EU. Bà cũng là thành viên của đoàn giám sát đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Maroc-Mỹ. Trên thực tế, danh sách các nữ đại sứ không ngừng tăng lên khi nhiều phụ nữ Maroc khác đã được bổ nhiệm để trở thành gương mặt mới của Maroc trên toàn thế giới. Nhiều phụ nữ Maroc đang thúc đẩy nền ngoại giao ở một số quốc gia khác như Saadia El Alaoui - Đại sứ Maroc tại Angola; Oumama Ouaad - Đại sứ Maroc tại Panama...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn