Buổi đăng ký kết hôn nhớ đời của Trung tướng Châu Văn Mẫn

08:49 | 29/04/2017;
Được hưởng hạnh phúc bình dị như bao người bình thường khác, Trung tướng Châu Văn Mẫn lại càng nhớ và biết ơn những đồng đội đã ngã xuống, đặc biệt là những người từng trải qua “địa ngục trần gian” Côn Đảo cùng ông.
31.jpg
Đám cưới ấm cúng năm 1983 của Trung tướng Châu Văn Mẫn 

Đi đăng ký kết hôn mà quên mang tiền lệ phí

Trung tướng - Tiến sĩ Châu Văn Mẫn là cựu tù chính trị sống sót trở về từ Côn Đảo. Sau ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975, ông đã cùng 156 tù chính trị Côn Đảo tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Đầu năm 1982, ông được bổ nhiệm Phó Trưởng Công an huyện Côn Đảo và được cử đi học lớp sĩ quan công an trong thời gian 18 tháng tại Trường Sĩ quan giữ chức vụ (TP HCM). Lúc này, ông vẫn còn độc thân. Trong trường có một số cán bộ giáo viên nữ chưa lập gia đình, anh em bạn bè đã mai mối cho ông cô giáo Mỹ Chi, kém ông 5 tuổi.

“Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp cô ấy, cô gái bé nhỏ, có nước da trắng ngần, gương mặt hiền lành, nhân hậu. Giọng nói của Mỹ Chi nhỏ nhẹ và ấm áp. Tôi có cảm tình ngay từ lần đầu tiên gặp ấy. Mỹ Chi xuất thân trong một gia đình gia giáo và có học thức, nên cách cư xử của cô ấy thực sự rất dễ chịu”, ông Châu Văn Mẫn nhớ lại. Sự dịu dàng của phụ nữ luôn làm cho trái tim của những người đàn ông thổn thức. Không lâu sau, hai người yêu nhau.

“Thật may mắn vì tôi đã tìm được một nửa của đời mình, một người hiểu và yêu chiều tôi hết sức”, ông Châu Văn Mẫn nói. Khi cả hai đã bàn bạc xong các chương trình thì hai người về xin ý kiến cha mẹ và báo cáo nhà trường xin làm giấy đăng ký kết hôn. Sau đó, họ đến UBND quận 1, TPHCM làm thủ tục kết hôn.

“Đây cũng là một buổi đi đăng ký kết hôn... kỳ lạ mà tôi sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời mình. Khi đi, vì loay hoay, vội vàng nên tôi quên không mang theo tiền. Biết là quên mang, nhưng vì đã đi ra đường nên tôi lười quay lại, vì cũng nghĩ bụng chắc là Mỹ Chi sẽ mang theo tiền. Đến nơi, hỏi ra thì Mỹ Chi lại nghĩ tôi mang. Khi nhân viên làm thủ thục kết hôn yêu cầu đóng lệ phí, hai đứa nhìn nhau ngơ ngác, cả hai đều không có tiền. Anh nhân viên thoáng ngạc nhiên, rồi cười thông cảm và cho qua”, ông Mẫn kể.

trung-tuong.JPG
 Trung tướng Châu Văn Mẫn trong một chuyến thiện nguyện

Sống cho cả những người đã khuất

Đám cưới Văn Mẫn – Mỹ Chi được tổ chức tại hội trường của Trường Sĩ quan giữ chức vụ vào ngày 2/2/1983. “Anh em đứng ra tổ chức rất chu đáo. Anh Ngữ cùng tiểu đội với tôi đã cặm cụi cắt dán khóm trúc xanh có hai con bồ câu trắng bay lượn với những nốt nhạc mềm mại, uyển chuyển trên phông trắng. Anh Hứa Phước Ninh, Phó Trưởng công an huyện Côn Đảo, cùng đi học với tôi đã chuẩn bị bài dẫn chương trình rất hấp dẫn, ngọt ngào và vui nhộn. Đám cưới diễn ra trong một buổi tối rất trọng thể, Ban giám hiệu và cán bộ nhà trường đến dự đông đủ. Gần 200 học viên trên toàn quốc và bạn bè có mặt đầy đủ, cha mẹ đôi bên, thân bằng quyến thuộc đến dự, chứng kiến. Đám cưới chỉ có nước ngọt, thuốc lá, hạt dưa và bánh kẹo nhưng không khí hội trường rất rôm rả với những lời ca tiếng hát tự diễn để chia vui”.

Đứng cạnh người bạn đời, ông Mẫn lòng vui phơi phới, nhưng không thể không kể đến những giây phút ngậm ngùi khi một số người nhắc lại chuyện Côn Đảo. Có một thời kỳ không thể nào nguôi ngoai, có những người đã ra đi không trở lại để được hưởng niềm vui như ông ngày hôm nay. Họ không được trở lại quê hương, không được gặp gia đình, vợ con, người thân để cùng chung niềm vui sum họp. “Bởi vậy, tôi vẫn nghĩ rằng, chúng tôi trở về là để sống cho họ, cho những điều dang dở của những người đã ngã xuống mà chưa nhìn thấy cuộc sống hòa bình, tự do”, ông chia sẻ.

18.jpg
 Những bức ảnh cưới đen trắng được Trung tướng Châu Văn Mẫn gìn giữ cẩn thận

Sau khi kết hôn, vợ chồng Trung tướng Châu Văn Mẫn lần lượt sinh được 2 người con gái. Thật trùng hợp, cả hai con của người tù Côn Đảo năm nào đều sinh vào những ngày đặc biệt của đất nước: Chị cả Châu Thị Minh Tâm sinh ngày 30/4/1984, em gái kế Châu Minh Thư sinh ngày 2/9/1990.

Trung tướng – Tiến sĩ Châu Văn Mẫn sinh năm 1950. Trọng trách mà ông gánh vác trước khi nghỉ hưu là Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an. Ông là đại biểu Quốc hội khóa X, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011.

Ông vừa ra mắt cuốn hồi ký Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo do nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim chấp bút. Với 200 trang, cuốn sách dựng lại chân dung Trung tướng Châu Văn Mẫn từ ngày còn thơ bé ở mảnh đất nghèo đầy thương khó trên quê hương cát bỏng Tiên Khê - Bình Sa (Thăng Bình - Quảng Nam) cho đến khi trở thành một chiến sĩ cách mạng chiến đấu anh hùng rồi bị địch bắt và đày giam ở Côn Đảo. Tiếp đó là những lần bị tra tấn dã man cận kề cái chết, rồi chiến đấu và chiến thắng trở về xây dựng quê hương, đất nước…

mua-xuan-bat-tu.jpg
 Hồi ký Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo của Trung tướng Châu Văn Mẫn

Khi chấp bút cho những lời kể đan cài nhiều ký ức, tư liệu và cảm xúc của Trung tướng Châu Văn Mẫn, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ: “Với trách nhiệm một người cầm bút, tôi ghi lại cuộc đời của vị Trung tướng anh hùng này như một sự tri ân những giá trị vững bền mà các thế hệ nối tiếp có trách nhiệm cần phải lưu giữ. Mong rằng, cuốn sách sẽ có ý nghĩa  không chỉ đối với riêng cá nhân Trung tướng Châu Văn Mẫn, mà sẽ là tiếng nói chung của những con người anh hùng, có sức lan tỏa về một thời không thể nào quên...”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn