Tiểu thương chợ Đồng Xuân rủ nhau “lên sàn” thương mại điện tử

16:23 | 20/07/2020;
Dịch Covid-19 khiến cho hoạt động mua sắm trực tiếp theo phương thức truyền thống sụt giảm nghiêm trọng. Thay vì ngồi đợi khách hàng đến xem, mua trực tiếp như thường lệ, nhiều tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phát triển thêm kênh bán hàng mới trên các chợ online.

Livestream tại quầy

Giờ nghỉ trưa, vắng khách, thay vì ngồi xem điện thoại "giết" thời gian, chị Nguyễn Thị Thủy tranh thủ đóng hàng để chuyển cho shipper đi giao vào buổi chiều. Xung quanh chị, cũng có rất nhiều người bán hàng tranh thủ mở điện thoại, máy tính bảng để xem đơn, chốt đơn, một số khác thì livestream (phát trực tiếp) để tương tác với khách hàng.

Buôn bán ảm đạm,tiểu thương chợ Đồng Xuân “lên sàn” - Ảnh 1.

Song song với bán trực tiếp tại chợ, những sản phẩm tại gian hàng của cô Đinh Thị Phương Thảo đã được bán trên Shopee

Không rành công nghệ như những người bán hàng trẻ, nhưng cô Đinh Thị Phương Thảo (chủ quầy hàng văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng) vẫn rất hào hứng khi giới thiệu về Shopee, kênh tiêu thụ một lượng không nhỏ những sản phẩm của mình. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết nắng nóng như hiện tại, lượng khách hàng đến chợ không còn nhộn nhịp, tấp nập như những năm trước. Sức mua giảm nhiều, nên những người cháu của cô Thảo đã mở shop bán văn phòng phẩm trên sàn thương mại điện tử. Hàng hóa được cập nhật nhanh chóng, tiện lợi, khách hàng không phải mất thời gian đến chợ, tìm chỗ gửi xe, đến quầy chọn hàng... nên lượng hàng bán ra đều đặn. "Nhiều hôm, hàng bán trên chợ mạng còn chạy hơn ngồi bán tại chợ", cô Thảo cho biết.

Chợ Đồng Xuân là một trong những khu chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội. Nằm ngay vị trí đắc địa của thủ đô, chợ Đồng Xuân còn là địa điểm tham quan, mua sắm của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Nhưng hơn 6 tháng nay, do bị ảnh hưởng dịch bệnh, không còn có những đoàn khách nước ngoài "xì xồ" ghé thăm chợ. Hà Nội vào mùa nắng nóng cao điểm, lượng khách trong nước đến mua sắm tại chợ cũng giảm đáng kể. Chợ truyền thống ảm đạm, nhiều tiểu thương đã nhanh chóng tìm đến những hình thức bán hàng online, giao hàng tận nơi thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử.

"Với ưu thế của những người bán hàng tại chợ bán buôn đầu mối, mẫu mã mới luôn cập nhật liên tục, đủ size, đủ số, đa dạng mặt hàng và đặc biệt là giá bán hợp lý hơn nên những mặt hàng mình đăng lên mạng thu hút nhiều chị em mua sắm, chị Thanh Hoa, chủ quầy hàng thời trang tại chợ vừa soạn đơn hàng vừa giới thiệu. Hình thức bán hàng quan mạng giúp người mua – người bán tương tác dễ hơn qua hình ảnh, livestream, qua trò chuyện (chat) hay bình luận (comment). Nhiều mối buôn cũng đặt hàng trên sàn thương mại điện tử để được nhận ưu đãi, giảm phí giao hàng. Song song với kênh bán hàng trực tiếp, bán hàng online đang giúp tiểu thương tăng doanh thu trong thời điểm buôn bán khó khăn này.

Việc mở quầy hàng online trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee... hay đơn giản chỉ là một trang bán hàng trên facebook khá dễ dàng và miễn phí. Vì vậy, kênh bán hàng online được nhiều chủ shop bán hàng thời trang, đồ dùng, thực phẩm, mỹ phẩm... lựa chọn. Đây hiện cũng đang là những kênh mua sắm yêu thích của nhiều người tiêu dùng Việt.

Xu hướng kinh doanh mới

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020, bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Chánh văn phòng Lazada Việt Nam, thông tin: Số lượng nhà bán hàng mới mỗi ngày trên sàn này tăng 8 lần so với thời điểm trước dịch. Đáng chú ý, nhiều nhà bán hàng thu về kết quả tích cực. Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển bùng nổ. Nếu biết tận dụng tốt, đây sẽ là một kênh kinh doanh hiệu quả.

Buôn bán ảm đạm,tiểu thương chợ Đồng Xuân “lên sàn” - Ảnh 2.

Bán hàng đa kênh là lựa chọn của nhiều tiểu thương chợ đầu mối

Chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận xét: Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử... đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới. Doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao. Việc mua sắm trực tuyến còn giúp khách hàng hạn chế đến những nơi đông đúc nhưng vẫn mua được những mặt hàng ưa thích khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Với người bán hàng, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử giúp họ tiết kiệm được thời gian, tiếp cận được một lượng khách hàng lớn. Đặc biệt, với những người kinh doanh nhỏ lẻ, họ còn được các sàn thương mại điện tử hỗ trợ công tác marketing, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại... Nhưng trong cuộc chơi này, người bán hàng cần phải đảm bảo những cam kết về nguồn gốc, chất lượng, giá cả của sản phẩm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, các chương trình ưu đãi và chăm sóc khách hàng... để bán được hàng thành công trên sàn thương mại điện tử.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn