Buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu?

12:48 | 22/08/2022;
Giấc ngủ rất quan trọng trong sinh hoạt thường ngày của con người, là để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sau ngày dài hoạt động. Có rất nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, buồn ngủ nhưng không ngủ được là một trong số đó.

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh, gây tổn hại đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.  

1. Buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu?

Buồn ngủ nhưng không ngủ được thường ngủ rất ít vào ban đêm nên ban ngày sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Nhưng cũng có khi người bệnh còn không thể ngủ được vào ngày hôm sau. Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng này. 

1.1. Do não bộ bị kích thích quá mức

Vận động mạnh hay sử dụng các chất kích thích trước giờ đi ngủ có khả năng kích thích não bộ hoạt động trước khi đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng buồn ngủ nhưng không thể ngủ được. Khi não bộ bị kích thích quá mức sẽ khiến cho sức khỏe thần kinh bị căng thẳng, mệt mỏi và khó có thể đi vào giấc ngủ.

Trước khi ngủ, để cơ thể vận động mạnh hoặc uống cà phê, sử dụng thuốc lá, ... cũng sẽ kích thích thần kinh, gây ra tình trạng khó ngủ. 

1.2. Do sử dụng các thiết bị có ánh sáng xanh

Hiện nay rất nhiều người, cả người trẻ lẫn người lớn tuổi, thường hay lướt xem điện thoại trước khi đi ngủ để giải trí, thư giãn hay để mắt bị mỏi sẽ dễ ngủ hơn. Nhưng sự thật là việc sử dụng smartphone thậm chí còn làm bạn tỉnh táo hơn.

Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại đặt gần mắt sẽ kích thích tạo ra hormone hưng phấn và ức chế việc sản sinh hormone Melatonin (giúp cơ thể buồn ngủ và có thể ngủ vào ban đêm). 

Hơn nữa việc tiếp nhận các thông tin khi xem điện thoại sẽ tác động bắt hệ thần kinh phải hoạt động ngay cả khi đã quá giờ đi ngủ, có thể làm đồng hồ sinh học bị lệch và lúc này muốn ngủ nhưng lại trằn trọc, khó ngủ. 

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu? - Ảnh 1.

Dùng điện thoại trước khi đi ngủ có thể gây khó ngủ. Ảnh: Internet.

Đọc thêm: 

Chăm sóc giấc ngủ và cải thiện tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi

Mặt sưng húp sau khi ngủ dậy do nguyên nhân nào?

1.3. Do căng thẳng, mệt mỏi.

Những vấn đề xung quanh cuộc sống hàng ngày và áp lực công việc khiến tinh thần căng thẳng, cơ thể mệt mỏi nhưng lại khó ngủ. 

Đây là vấn đề nghiêm trọng khi mệt mỏi, lo lắng, stress hoặc là tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, buồn bã... là biểu hiện vô cùng tiêu cực với thể chất và tinh thần, tác động đến nhiều mặt đời sống, trong đó việc mất ngủ có thể kéo dài, càng làm tình hình sức khoẻ xấu đi nên cần khắc phục sớm.

1.4. Do một số bệnh lý

Nóng trong người, đau dạ dày, trào ngược dạ dày, tiểu đêm... Có thể xuất hiện vào ban đêm, làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, khó đi vào giấc ngủ. Cần quan tâm chữa trị các vấn để của cơ thể để có thể dễ dàng nghỉ ngơi và có sức khoẻ tốt. Nếu để diễn ra tình trạng thiếu ngủ có thể khiến các bệnh mà cơ thể đang mắc phải sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Trước khi đi ngủ mà bạn có nhiều hoạt động như làm việc, xem phim, ăn uống, ... cũng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, làm cho bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. 

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu? - Ảnh 2.

Căng thẳng, mệt mỏi dễ gây ra các triệu chứng rối loạn giấc ngủ - Ảnh: Internet

Thêm vào đó, chỉ cần mất ngủ trong 1, 2 ngày thì việc mất ngủ sau đó rất có khả năng sẽ tiếp diễn và kéo dài thành vấn đề nghiêm trọng. 

Ngoài ra,những yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm cũng ảnh hưởng đến tình trạng khó ngủ. Tuỳ vào từng mùa, bạn nên để nhiệt độ khác ở mức khác nhau. Mùa nóng nên bật điều hoà với nhiệt độ trung bình 26 - 28 độ C. Mùa lạnh nên đóng kín cửa, đảm bảo trong phòng được ấm áp. 

2. Tác hại của việc buồn ngủ nhưng không ngủ được

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là một trong những biểu hiện của chứng mất ngủ, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc làm cả cơ thể lẫn tinh thần mệt mỏi, uể oải và rất có thể làm tình trạng mất ngủ sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài.

Nếu để tình trạng khó ngủ diễn ra lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng đến sức khoẻ:

- Toàn thân mỏi mệt: Mất ngủ gây thiếu ngủ, cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, làm đau mỏi, suy giảm chức năng của các bộ phận trên cơ thể.

- Suy giảm trí nhớ, giảm độ tập trung: Não bộ là cơ quan hoạt động liên tục với cường độ cao của cơ thể, giúp cơ thể tỉnh táo. Giấc ngủ đặc biệt quan trọng để não và hệ thần kinh được nghỉ ngơi. Nếu không não sẽ bị ảnh hưởng gây khó khăn trong việc ghi nhớ, không thể tập trung. Ngoài ra, còn dễ bị người khác tác động, không thể đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân.

- Ảnh hưởng tới đời sống và công việc: Cơ thể và tinh thần đều mệt mỏi khiến việc sinh hoạt khó khăn hơn và công việc sẽ giảm năng suất.

- Làm da mụn và lão hoá nhanh chóng: Khi thiếu ngủ, hormon cortisol được tiết ra, gây căng thẳng và phá huỷ collagen, gây mụn trên da, da nhăn nheo và lão hoá sớm.

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu? - Ảnh 3.

Khó ngủ, thiếu ngủ gây ảnh hưởng trực tiếp tới làn da. Ảnh: Internet.

- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng: Buồn ngủ nhưng không ngủ được có thể gây ra nhiều bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch; rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm; tăng nguy cơ bị ung thư.

3. Phải làm gì để lấy lại được giấc ngủ ngon?

Để khắc phục tình trạng buồn ngủ mà không ngủ được và sớm có được những giấc ngủ ngon, bạn hãy thực hiện những điều sau:

- Tập thể dục thường xuyên, thư giãn trước khi ngủ, tránh lo âu, suy nghĩ.

- Không sử dụng điện thoại, máy tính ngay trước khi ngủ.

- Không nên ăn uống, sinh hoạt trên giường mà chỉ nên dùng giường để ngủ.

- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, có thời gian biểu điều độ và đều đặn.

- Không gian ngủ cần sạch sẽ, thoải mái, yên tĩnh, nhiệt độ phù hợp, ít ánh sáng.

- Nếu vấn đề về giấc ngủ khiến bạn lo lắng, cần sớm đi khám để được tư vấn và giải quyết.

Có thể nói, buồn ngủ nhưng không ngủ được ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của con người. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới một số hệ luỵ nghiêm trọng đối với sức khoẻ. Vì vậy, mọi người nên có chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học, hạn chế những tác nhân ảnh hưởng tới giấc ngủ. 


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn