Theo chị Trần Minh Vân (52 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh), khi có tuổi, con người thường chọn cách buông bỏ và tha thứ. Chỉ có sự tha thứ, buông bỏ muộn phiền, ấm ức, tâm hồn chúng ta mới vui vẻ, giàu năng lượng tích cực.
Chị Minh Vân kể, 20 năm trước đi lấy chồng, bố mẹ chồng khó tính nên luôn tìm cớ bắt ne bắt nẹt, soi mói con dâu. Nhìn bề ngoài, nhiều người bảo chị Vân số hưởng, "chuột sa chĩnh gạo" vì bố mẹ chồng giàu có tiếng trong vùng.
Nhà chồng chị Vân có cô em gái tính tình đành hanh, luôn tị nạnh, nói xấu chị dâu khiến chị Vân nhiều phen "nước mắt chan cơm". Một lần, mẹ chị Vân ốm cấp cứu trong bệnh viện. Buổi trưa, chị Vân vừa ở viện về đến nhà thì cô em chồng lao vào phòng bù lu bù loa kêu mất 10 triệu, đổ cho chị Vân lấy trộm để mang đi cho mẹ.
Thấy em gái đổi tội vô căn cứ cho vợ, quá bức xúc nên chồng chị Vân đã bạt tai cô ấy. Vậy là chuyện bé xé to, bố mẹ chồng chị Vân về biết chuyện, chưa hỏi đầu cua tai nheo, mới chỉ nghe con gái thuật lại đã vội nhiếc móc con trai "đốn mạt, vì vợ mà đánh em ruột". Lời qua tiếng lại, bố mẹ chồng chị Vân tuyên bố đuổi vợ chồng chị ra ở riêng, không cho hưởng một đồng, một cắc…
"Sau khi bị bố mẹ chồng đuổi ra ở riêng, sẵn dịp có người giới thiệu cho chồng tôi một công việc ổn định ở Hà Nội, lúc ấy, chưa bị ràng buộc con cái nên trong phút mốt, vợ chồng quyết tâm lên Hà Nội lập nghiệp. Công việc của chồng ổn định, tôi cũng xin được việc trong một doanh nghiệp xuất nhập khẩu", chị Vân nhớ lại.
Sau lần bị em chồng "đổ điêu", bị bố mẹ chồng ghét bỏ, ai cũng tưởng chị Vân sẽ mang mối hận cô em chồng suốt đời. Nhưng thật không ngờ, gần đây, lại thấy cô em chồng thường xuyên qua lại nhà chị Vân, một điều chị, hai điều em, thân thiết như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Hỏi ra mới biết, cách đây gần 5 năm, chính chị Vân là người cởi nút thắt cho mối quan hệ phức tạp này. Đó là khi cô em chồng phải đi điều trị tuyến giáp dài ngày trên Hà Nội. Biết chồng vẫn giận em gái, tuyên bố "từ" em, kể cả hồi cưới em gái cũng không về nên chị Vân muốn nhân chuyện này, hoá giải giận hờn giữa vợ chồng mình và cô em chồng.
Biết bàn với chồng anh sẽ không nghe nên chị Vân lẳng lặng tìm đến bệnh viện thăm nom, chăm sóc em chồng. Khi cô em chồng ngoại trú, chị phân tích, khuyên nhủ và đón cô về nhà với anh chị.
"Khi cô em chồng hỏi, vì sao chị không hận mà lại tốt với em như vậy? Tôi bảo với cô ấy rằng: "Chị có ăn trộm tiền của cô hay không thì chỉ cần trời biết, đất biết, chị em mình biết là đủ. Cho dù cô có nghi ngờ, đổ diệt cho chị nhưng chị không lấy số tiền ấy thì sự thật sẽ vẫn mãi là sự thật.
Bố mẹ giờ cũng già cả rồi, chị em mình sống thế nào thì mọi người xung quanh đều biết. Chị không muốn vì chuyện ngày xưa mà anh em cả đời giận nhau. Người ngoài mình còn thương được huống hồ là khúc ruột trên, khúc ruột dưới", chị Vân kể.
Sau chuyện ấy, cô em chồng khóc nức nở và kể sự thật: khi anh chị đã chuyển lên Hà Nội, cô mới phát hiện ra, kẻ ăn trộm tiền của cô chính là người giúp việc của gia đình. Nhưng vì xấu hổ, cô không dám nói ra sự thật. Cô nghĩ, đằng nào cũng bị anh chị "từ mặt" rồi nên có nói ra thì cũng chẳng được tha thứ. Suốt bao năm qua, cô luôn sống trong ân hận, giày vò…
Cô cũng thú nhận, từng ghét chị dâu như xúc đất đổ đi vì nghĩ rằng, chị lấy anh để sau này chiếm tài sản kếch xù của gia đình cô…
Nhìn lại những chuyện đã qua, chị Minh Vân bộc bạch: "Để có thể tha thứ cho cô ấy, thực sự không hề dễ dàng chút nào. Trái tim tôi cũng biết giận, biết đau, lòng dạ tôi cũng có lúc ích kỷ, hẹp hòi, muốn "trả đũa" em chồng lắm chứ! Nhưng rồi khi nghe tin cô ấy bị K tuyến giáp, có tế bào di căn, lòng tôi chùng xuống.
Tôi nhận ra, tha thứ để được sống vui vẻ bên nhau tốt hơn ngàn lần nếu cứ sống trong oán giận cho đến tận lúc phải chia xa. Vậy là tôi đủ mạnh mẽ, sáng suốt để làm những điều con tim tôi mách bảo".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn