PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh |
Việc 3 lô nước giải khát C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép bị Bộ Y tế ra quyết định thu hồi đang khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng vì đã có một lượng đáng kể loại nước này đưa ra thị thị và đã được tiêu thụ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), chì vốn là loại kim loại nặng và rất độc hại. Chì có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ, trong không khí kể cả trong nước uống bình thường nhưng với hàm lượng rất thấp. Nếu cơ thể bị nhiễm độc chì các bộ phận như tim, gan, xương tủy sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng.
Khi uống phải nước ngọt nhiễm chì, chất độc này sẽ tích tụ dần trong cơ thể, đến một thời điiểm đó sẽ tác động trực tiếp, gây ra bệnh tật. Trong đó, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất. Cụ thể, nếu trẻ uống nước nhiễm độc chì, thì hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, làm giảm thính giác, suy giảm chức năng tế bào máu. Ngoài ra, chất độc này còn khiến trẻ chậm lớn, giảm IQ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến ngộ độc, co giật, hôn mê và thậm chí là tử vong.
Với phụ nữ có thai, độc tố chì có thể xuyên qua màng bọc nhau thai dẫn vào thai nhi. Việc này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng ở người mẹ và thai nhi trong quá trình phát triển, bao gồm: hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non. Ngoài ra, độc tố từ chì có thể truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ.
PGS Thịnh cho rằng, nguyên tắc là doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chất lượng cho sản phẩm mình đã công bố. Vì vậy, ngoài chuyện doanh nghiệp phải thu hồi sản phẩm thì còn phải phạt nặng.
"Với số lượng nước uống bị nhiễm chì đã được thông báo thu hồi nhưng đã được đưa ra ra thị trường nhưng chưa bán cho người tiêu dùng thì phải thu hồi hết. Số lượng nước ngọt thuộc danh mục phải thu hồi nhưng đã được tiêu thụ thì nhà nước phải phạt. Ví như, trong các lô đó đã đưa ra thị trường 1 triệu chai nhưng chỉ thu hồi được 200.000 chai thì phạt 800.000 chai còn lại. Mỗi chai phạt một số tiền nhất định. Số tiền phạt này đưa vào những quỹ từ thiện để chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện hoặc giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn", PGS Thịnh đề nghị.
PGS Thịnh cho rằng, do chì rất độc, lại có mặt trong nhiều loại nước ngọt vì vậy người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng. Theo PGS Thịnh, các loại nước ngọt đó chẳng có dinh dưỡng mà chỉ là hóa chất pha hương liệu để đánh lừa người tiêu dùng. Kể cả khi hàm lượng chì trong nước ngọt đó rất thấp thì khi vào cơ thể nó sẽ được tích tụ từ từ, lâu dân thì phát bệnh.
2 sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ thuộc diện phải thu hồi. |
Như PNVN đưa tin, ngày 21/5, Thanh tra Bộ Y tế vừa có quyết định đình chỉ lưu thông đối với 3 lô sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH URC Hà Nội (địa chỉ tại Lô CN 2.2 khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) do hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, cụ thể:
- Lô trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016; HSD 4/2/2017. Mức công bố là: Nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,085 mg/L.
- Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ: Ngày sản xuất 19/2/2016; HSD 19/11/2016. Hàm lượng chì mức công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/L. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,053 mg/L.
- Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ: Ngày sản xuất 10/11/2015; HSD 10/08/2016; Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là 0,068 mg/L; Mức công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.
Bộ Y tế đã yêu cầu Công ty URC tạm dừng lưu thông các lô hàng hóa không đạt theo tiêu chuẩn công bố, bắt đầu từ ngày 20/5; tiến hành thu hồi, bảo quản các lô hàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố áp dụng để chờ xử lý tiếp theo, theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, công ty phải báo cáo cụ thể số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, địa bàn bán và còn tồn của từng lô hàng có kết quả kiểm nghiệm không đạt.
Số hàng hóa trên chỉ được lưu thông khi doanh nghiệp đã khắc phục được chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Báo cáo với Bộ Y tế kèm theo bằng chứng khắc phục và được Thanh tra Bộ Y tế ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin sản phảm nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Kết quả trên được đóng dấu của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia, do Phó Viện trưởng Lê Thị Hồng Hảo ký.
Theo kết quả trên, nước giải khát C2 có hàm lượng chì 0,087mg/l; nước giải khát Rồng đỏ có hàm lượng chì 0,085mg/l (tiêu chuẩn cho phép là 0,05mg/l). Nguyên nhân được cho là do công ty sử dụng acid citric kém chất lượng, bị nhiễm độc chì.