Cá chết khiến các chủ đầm ở tỉnh Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều khó khăn. |
Ngày 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo kết quả phân tích mẫu nước tại những nơi phát hiện cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.
Theo bản báo cáo “Về việc cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên Huế”, từ ngày 15/4 đến ngày 22/4/2016, hiện tượng cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên Huế có lượng cá chết giảm dần từ Bắc xuống Nam.
Hiện tượng cá biển và cá nuôi chết bắt đầu tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh, giảm dần đến khu vực Vũng Chuối, Bắc chân đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Như vậy, khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Báo cáo đã chỉ rõ các thông số như: Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4 -N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như QCVN 08 - MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Có thể khẳng định nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết luận đã rõ cá chết là do chất độc trong môi trường nước. Tuy nhiên, đến giờ các cơ quan chức năng chưa chỉ rõ được "tác nhân cực mạnh" này là do đâu và xuất phát từ đâu. Sau hơn 20 ngày, dư luận vẫn đang mong chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng. Hơn bao giờ hết, bà con ngư dân đang nóng lòng rong buồm ra biển đánh bắt cá, bởi lẽ cuộc sống của họ là đã gắn bó với biển cả từ nhiều đời nay. Một ngày treo thuyền là một ngày đói.