Cá chết do nước sông Bưởi ô nhiễm vượt ngưỡng nhiều lần

19:58 | 18/05/2016;
Kết quả phân tích mẫu nước trên sông Bưởi do Sở NN&PTNT Thanh Hóa công bố cho thấy, các chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng cho phép 7,5 lần; H2S vượt ngưỡng cho phép gần 2 lần; NO2 vượt ngưỡng cho phép 4 lần và khẳng định cá chết do nước sông bị ô nhiễm.
Ngày 18/5, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo về kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá trên sông Bưởi sau sự cố cá nuôi lồng chết hàng loạt. Kết quả phân tích cho thấy, trong mẫu nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng, cao gấp nhiều lần cho phép. Cụ thể, chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng cho phép 7,5 lần; chỉ tiêu H2S vượt ngưỡng cho phép gần 2 lần; chỉ tiêu NO2 vượt ngưỡng cho phép 4 lần. Ngoài ra, mẫu phân tích cá không thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm.

Từ kết quả trên, Sở NN&PTNT Thanh Hóa khẳng định, cá chết trên sông Bưởi do môi trường bị ô nhiễm nặng. Do lượng nước ô nhiễm lớn, nên cần có thời gian để mưa lũ rửa trôi và khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên. Còn các giải pháp sinh học nếu thực hiện sẽ không hiệu quả.
anhset.jpg
Cá nuôi lồng trên sông Bưởi bị chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm
Như PNVN đã thông tin, từ ngày 4/5, cá lồng nuôi trên sông Bưởi đoạn chảy qua huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) của các hộ dân chết bất thường. Đa phần cá chết đều sắp được thu hoạch, với trọng lượng từ 2kg đến 6 kg/con. Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã các đoàn về lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích làm rõ nguyên nhân.

Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) đã thừa nhận xả thải nước chưa qua xử lý ra sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt. Công ty cũng đã bồi thường cho 34 hộ dân bị thiệt hại với số tiến gần 1,5 tỷ đồng.

Bộ TN&MT cũng đã tiến hành thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường của các nhà máy đóng trên địa bàn xã Tân Mỹ và phát hiện ra nhiều sai phạm. Ngày 17/5, Bộ TN&MT đã xử phạt phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình, Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng và Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng (cùng đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn Hoà Bình) với số tiền gần 4 tỷ đồng. Đồng thời đình chỉ hoạt động các đơn vị trên từ 3 đến 12 tháng và yêu cầu khắc phục hậu quả trước ngày 30/9/2016.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn