Cả đời tung tăng dưới biển nhưng cá voi có một "họ hàng" trên cạn

17:15 | 12/08/2022;
Nhiều người biết rằng cá voi là thú có vú, nhưng nó có liên hệ thế nào đến "đại gia đình" đa phần sống trên cạn này nhỉ?

Thử nhìn vào một chú cá voi - những sinh vật to lớn nhất địa cầu, thật khó để hình dung chúng có quan hệ như thế nào với đại gia đình thú có vú trên cạn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra một mối liên hệ bất ngờ của nó với một giống loài mà ít ai ngờ, để từ đó tiếp tục vẽ ra "cây phả hệ" cho con thú có vú đặc biệt này.

Cụ thể, "người anh em" gần gũi nhất trên cạn của cá voi chính là hà mã. Dựa vào các hồ sơ hóa thạch, các nhà nghiên cứu phát hiện ra tổ tiên cá voi là các loài thú có vú trên cạn sống cách đây 47-52 triệu năm trước.

Cả đời tung tăng dưới biển nhưng cá voi có một họ hàng trên cạn mà bạn có lẽ chưa bao giờ ngờ tới - Ảnh 2.

Tổ tiên của cá voi khi ấy đã dần thích nghi với cuộc sống lưỡng cư tại các bờ biển. Chúng vừa sử dụng môi trường nước để chạy trốn kẻ thù, vừa tìm kiếm thêm thức ăn. Quá trình đó diễn ra từ từ nhưng dần dần, chúng "chuyển nhà" hẳn xuống thế giới của long vương và định cư lâu dài.

Tổ tiên trực hệ của cá voi thời ấy thực ra trông chẳng có gì giống với hậu duệ đại dương của nó cả. Loài này tên là Pakicetus, sống hoàn toàn trên cạn nhưng có khả năng bơi giỏi ngang ngửa chó hoặc gấu ngày nay.

Cả đời tung tăng dưới biển nhưng cá voi có một họ hàng trên cạn mà bạn có lẽ chưa bao giờ ngờ tới - Ảnh 3.

Tổ tiên cá voi trông như một loài gặm nhấm phóng đại với cái mõm dài.

Thế nhưng tổ tiên cá voi và chúng thì có liên quan gì đến một sinh vật móng guốc, lưỡng cư như hà mã nhỉ? Từ cuối thế kỷ 18, các nhà khoa học tò mò đã tìm ra tương đồng giữa cơ quan sinh sản của 2 "người anh em họ" này, tuy nhiên họ chỉ nghĩ đó đơn giản là trùng hợp.

Phải gần 200 năm sau, tức những năm 1980, khi bộ xương hóa thạch Pakicetus được tìm ra và cho thấy những phần xương chỉ có thể tìm thấy ở cá voi (bộ Cetacea) và bộ guốc chẵn (Artiodactyla) với các đại diện như lạc đà, hươu cao cổ,... lợn, và tất nhiên là hà mã.

Cả đời tung tăng dưới biển nhưng cá voi có một họ hàng trên cạn mà bạn có lẽ chưa bao giờ ngờ tới - Ảnh 4.

Bộ xương Pakicetus.

Cụ thể, phần xương tai của Pakicetus chứa 2 đặc điểm duy chỉ có ở 2 bộ trên, cung cấp cho cá voi khả năng nghe dưới nước. Phần xương cổ chân của chúng cũng đặc biệt, với cặp móc chỉ có thể tìm thấy ở các loài guốc chẵn, chứ không có ở loài guốc lẻ như ngựa hay tê giác.

Cả đời tung tăng dưới biển nhưng cá voi có một họ hàng trên cạn mà bạn có lẽ chưa bao giờ ngờ tới - Ảnh 5.

Khoa học hiện đại cũng góp phần giải đáp thêm nhiều câu hỏi liên quan. Nghiên cứu về DNA của cá voi và loài guốc chẵn cho thấy chúng có điểm tương đồng trong các đoạn gene. Hơn nữa, cá voi có một đoạn gene chỉ có thể được tìm thấy ở 1 loài duy nhất khác - không gì khác ngoài hà mã.

Theo các nhà khoa học, sự tiến hóa từ Pakicetus đến hình dáng hoàn toàn khác lạ như cá voi hiện đại chỉ diễn ra phần lớn trong 10 triệu năm - một kỳ tích trong thế giới động vật. Ngoài ra, việc phát hiện mối liên hệ giữa cá voi với hà mã hay các loài thú guốc chẵn giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ của chúng và nâng cao ý thức bảo vệ trong tương lai.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn