Nhằm giúp chị em hội viên tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ngoài tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi cách nghĩ, nếp làm, Hội LHPN tỉnh Cà Mau tranh thủ các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng thương mại, huy động vốn của các doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ, giải ngân các nguồn vốn do hội quản lý… hơn 4 tỷ đồng để giúp chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Giai đoạn 2018-2020, mỗi xã, phường, thị trấn ở Cà Mau có 30 hội viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/hội viên, không lãi suất để khởi sự kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Từ cơ sở may túi xách nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình, nhờ nắm bắt cơ hội và sự hỗ trợ kịp thời qua đề án hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đến nay các sản phẩm túi xách của chị Nguyễn Mộng Nghi (ấp Tân Hoà B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) đã có mặt khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Để thuận lợi cho việc giao thương mua bán, chị Nghi thành lập thêm cơ sở thứ 2 tại xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Đây chính là thành quả ngọt ngào mà chị Nghi gặt hái được từ phong trào phụ nữ Cà Mau khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh, quy mô nâng tầm lên thành tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất. Trước đây bánh phồng tôm của gia đình chị Trần Thu Trang (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) làm ra chỉ bán cho người quen, tiêu thụ nhỏ lẻ nên không có thương hiệu, nhãn mác. Kiến thức từ lớp tập huấn của các cấp Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cộng với vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, chị Trang đã thành lập Hợp tác xã bánh phồng tôm Hàng Vịnh và tự tin giới thiệu quy trình sản xuất đến người tiêu dùng với uy tín, chất lượng từ mẫu mã đến hương vị. Sản phẩm của hợp tác xã đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, từ đó góp phần tăng thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn