Trong cái nắng oi bức của chiều mùng 3 Tết (ngày Tết Thầy), hơn ngàn người đã đội nắng, xếp hàng đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) để xin chữ, cầu học hành.
Trong ngày Tết Thầy, lượng người đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng đột biến, khiến việc di chuyển của các phương tiện giao thông qua các con phố xung quanh như – Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng gặp nhiều khó khăn.
Theo quan sát vào thời điểm 3 giờ chiều, tại khu vực Hồ Văn – nơi tập trung đông quán thư pháp, nhiều gia đình và các bạn thanh niên phải xếp hàng để chờ xin chữ.
Đây là lần thứ 2, Nguyễn Khánh Ly (18 tuổi, bên trái), học sinh Trường THPT Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) đến đây xin chữ. Trước đó em xin chữ khi thi vào lớp 10. Với mong muốn đỗ vào chuyên ngành ngôn ngữ của một trường đại học trong kỳ thi tới đây, Ly đã xin chữ “Nhất nhật đăng khoa” (Có một ngày sẽ đỗ đạt).
Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, một số quầy thư pháp còn trang bị kính chắn.
Du khách xếp hàng chờ sấy chữ.
Để nhanh chóng, nhiều quầy thư pháp đã viết chữ sẵn, chữ được viết trên giấy đỏ, vàng và đóng trong khung để phục vụ du khách,
Người mẹ chờ hai con chọn chữ đã đóng khung sẵn.
Để di chuyển vào phía trong khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám do lượng người quá đông, nên du khách phải xếp hàng dài chờ mua vé.
Hai nữ sinh trong đứng giữa trời nắng cầu nguyện trước Văn Miếu Môn.
Du khách xếp hàng chờ soát vé tại cổng vào Văn Miếu.
Tuy thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra căng thẳng nhưng lượng người đến đây du xuân, xin chữ, cầu học hành vẫn tương đối đông.
Chị Nguyễn Thị Nam Hải (43 tuổi, trú tại quận Thanh Trì, Hà Nội) cùng chồng và các con, cháu chụp ảnh ở khu vực Thiên Quang Tỉnh. Đây là lần thứ 12 - 13, gia đình anh chị đến đây cầu xin đường học hành cho các con, điều đặc biệt trong năm nay là trong nhà có một người con thi đại học.
Người mẹ giảng dạy cho các con về ý nghĩa của bia tiến sĩ.
Trước đây, em Thúy Quỳnh (18 tuổi), học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở tại quận Thanh Trì, Hà Nội) xin chữ ở khu vực Hồ Văn, còn đây là lần đầu em xin chữ ở trong Văn Miếu. Với mong muốn đỗ vào Học viện Báo chí - Tuyên truyền và Đại học Sư phạm Hà Nội trong kỳ thi tới đây, Quỳnh đã xin chữ “Đăng khoa”.
Còn đối với em Trà My (18 tuổi), học sinh Trường THPT Ngô Thị Nhậm (quận Thanh Trì), việc xin chữ tại đây, sẽ giúp em ổn định tâm lý và tin tưởng rằng – nếu cố gắng mình có thể đỗ vào Học viện Ngân hàng.
Việc xin chữ tại Văn Miếu đã trở thành một truyền thống hằng năm của gia đình chị Lê Thị Thu Trang (37 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) và anh Nguyễn Thái Ninh (37 tuổi). Qua những dịp này, anh chị mong muốn con cái hiểu thêm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam, qua đó hình thành ý chí ham học, vượt khó.
"Qua việc thấy những vị đỗ đại khoa được ghi danh tại bia Tiến sĩ, cháu mong muốn rằng lớn lên sẽ trở thành tiến sĩ", cháu Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) - con gái của chị Trang bày tỏ.
Số lượng du khách tập trung đông trong Khu Đại Thành.
Người mẹ và hai con nhỏ hào hứng vui chơi ở khu vực trưng bày triển lãm "Cung đình đón Tết" ở Khu Đại Thành.
Du khách xếp hành chờ mua chữ đã viết sẵn ở một quầy thư pháp trong Khu Đại Thành.
Người mẹ thành tâm cầu khấn trước một ban thờ, mong con trai chăm ngoan, học giỏi.
Một em học sinh dùng tay viết tên mình lên tường phía trong của Điện Đại Thành, với mong muốn kỳ thi tới đây sẽ có kết quả tốt.