Cả nhà ăn lẩu nhưng chỉ 1 người đi cấp cứu
Mùa thu với thời tiết se lạnh, nhiều gia đình đổi bữa bằng những nồi lẩu với hơi nóng bốc lên nghi ngút và thực phẩm tươi ngon. Một trong những loại lẩu được ưa chuộng sử dụng là lẩu hải sản hoặc lẩu thập cẩm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, việc ăn lẩu cần lưu ý một số điểm để tránh gây nên những hệ lụy với sức khỏe, đặc biệt là tình trạng dị ứng với thực phẩm, nhất là hải sản.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp nhập viện sau khi ăn lẩu nói riêng và thực phẩm nói chung vì bị dị ứng. Chị Vũ Thị Minh Hoa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình rất thích ăn lẩu vào mùa đông nhưng hiện tại thói quen này đã bị hạn chế nhiều kể từ lúc con gái phải nhập viện sau khi ăn.
Theo chia sẻ của chị Hoa, bình thường gia đình chị hay ăn lẩu cá, gà rồi nhúng rau nhà trồng. Mới đây, gia đình có khách nên chị mua nhiều đồ khác như tôm, cua, bò, ghẹ để làm nồi lẩu thập cẩm với hy vọng có nhiều sự lựa chọn thực phẩm cho mọi người.
Sau khi ăn xong khoảng 30 phút, con gái 11 tuổi của chị bỗng cảm thấy ngứa ngáy, da nổi mề đay, dù mẹ làm cách nào cũng không đỡ. “Tình thế cấp bách, cả gia đình nháo nhào đưa cháu đi cấp cứu. Tại bệnh viện, cháu được chẩn đoán bị dị ứng thực phẩm, cụ thể là tôm, cua - những hải sản có vỏ. Sau khi được xử lý, con tôi đã ổn định và sáng hôm sau được cho về. Điều tôi thắc mắc là vì sao cả chục người ăn không ai làm sao mà chỉ có con tôi bị như vậy”, chị Hoa chia sẻ.
TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ông từng gặp nhiều bệnh nhân bị dị ứng với tôm, cua và hải sản. Một số người chỉ bị những triệu chứng nhẹ như nổi mày đay, ngứa, nặng hơn thì khó thở, tụt huyết áp, sốc phản vệ nguy kịch.
Không khó để phòng và có thể tiếp tục ăn được các thực phẩm đã gây dị ứng
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với một chất lạ, mà y học gọi là dị nguyên. Chất lạ này có thể hoàn toàn không gây hại ở những người bình thường, nhưng ở những người nhạy cảm, cơ thể họ sinh ra các phản ứng dị ứng với các loại protein có trong tôm, cua, lạc (đậu phộng), phấn hoa...
“Biểu hiện của bệnh dị ứng rất phức tạp. Nếu tình trạng nhẹ có thể chỉ biểu hiện ngoài da như mày đay, phù mạch. Tuy nhiên, các biểu hiện này có thể nặng hơn và tiến triển thành phản vệ, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Một ví dụ về phản ứng dị ứng nặng với thức ăn có nguồn gốc thực vật, tại Mỹ, có tới 1,8% dân số dị ứng đậu phộng và người bệnh thường có các biểu hiện phản vệ nguy kịch sau khi ăn loại thực phẩm này. Bởi vậy, khi nghi ngờ dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm hay phấn hoa, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để được chẩn đoán bệnh và tư vấn phù hợp”, bác sĩ Khánh nói.
Dị ứng hải sản cần xử lý kịp thời, tránh diễn biến nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa)
Riêng đối với trường hợp dị ứng hải sản, bác sĩ Khánh khuyến cáo mọi người cần thăm khám để biết được chính xác dị ứng với tôm, cua hay cá, từ đó sẽ có hướng điều trị và tư vấn sử dụng hợp lý. Chẳng hạn, nếu chỉ dị ứng tôm mà bạn kiêng ăn cả cá là không cần thiết.
“Trước đây, khi được chẩn đoán dị ứng tôm, cua, cách duy nhất có thể làm để phòng tránh tình trạng dị ứng là không ăn những thực phẩm đó nữa. Tuy nhiên, hiện nay, liệu pháp miễn dịch đường uống hoặc giảm mẫn cảm với thức ăn sẽ giúp giải quyết vấn đề này”, bác sĩ Khánh tư vấn.
Liệu pháp miễn dịch đường uống được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiêu thụ một lượng rất nhỏ thực phẩm gây dị ứng cho đến khi cơ thể có khả năng dung nạp. Liệu pháp này giúp hệ miễn dịch ngừng phản ứng quá mức với thực phẩm gây dị ứng, từ đó người bệnh có thể ăn lại các món này một cách an toàn. Liệu pháp này cần được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện ở cơ sở có khả năng cấp cứu tình trạng phản vệ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn