Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.
Theo số liệu thống kê, hơn 80% trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một đợt ở tuổi lên 3. Bệnh này có thể tái đi tái lại nếu cha mẹ không biết chữa đúng cách cho trẻ.
Mới đây, chị Hương (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ việc con bị viêm tai giữa nhưng liên tục tái đi tái lại nhiều lần. "Thương con quấy khóc, khó chịu mà cả nhà cũng stress theo vì con bị tái đi tái lại. Bây giờ chỉ cần xuất hiện triệu chứng là mình bắt đầu hoảng sợ, lo lắng. Một phần sợ con uống kháng sinh quá nhiều, phần vì không hiểu tại sao bệnh cứ không khỏi dứt điểm, không biết kéo dài tới bao giờ.
Mình đã cho con đi khám lại và lần này bác sĩ chỉ ra nguyên nhân chính là do người lớn. Đúng là gia đình mình không điều trị dứt điểm cho bé, dùng không đủ liều, đủ thời gian theo đơn thuốc. Cứ mỗi lần thấy con khóc, uống thuốc bị nôn trớ hoặc được vài hôm thấy con đỡ mình lại ngưng luôn", chị Hương chia sẻ.
Bà mẹ trẻ cũng tâm sự thêm đây là nhiều sai lầm mà các phụ huynh thường mắc phải, không dứt điểm thì mầm mống vi khuẩn gây bệnh vẫn còn trong tai và khi có điều kiện thuận lợi nó tiếp tục gây bệnh trở lại.
Theo bác sĩ Phạm Văn Đông - Giám Đốc Trung Tâm Tư Vấn Nhi Khoa tại Phòng Khám Nhi Đồng - Hà Nội, có 5 nguyên nhân chính mẹ hay mắc phải sau đây.
1. Do con còn nhỏ. Vòi nhĩ con ngắn và nằm ngang nên con hay bị tái phát (con dưới 5 tuổi).
2. Do mẹ không dùng đủ đơn kháng sinh cho con. Kháng sinh cho viêm tai giữa thường dùng liều cao gấp đôi liều đơn thuần, dùng trong 10 ngày. Nhưng cứ 3-5 ngày con đỡ nhưng chưa khỏi hẳn là mẹ đã dừng rồi, như vậy làm bệnh viêm tai giữa có nguy cơ diễn tiến ở thể không triệu chứng làm mẹ chủ quan.
3. Do con bị viêm VA mà mẹ ko kiểm soát được, làm VA tái đi tái lại, làm VA quá phát bịt 1 phần hoặc hoàn toàn vòi nhĩ.
4. Do con bị viêm mũi dị ứng liên tục làm tăng nguy cơ virus vi khuẩn lên tai từ mũi.
5. Mẹ vệ sinh mũi cho con không đúng cách làm mũi sau của con luôn có dịch hoặc mủ, làm tăng nguy cơ tái phát viêm tai giữa. Vì vậy, việc giữ mũi con khô, ấm, ẩm rất quan trọng.
Còn theo Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Minh Đạt - người sáng lập Trung tâm sức khỏe Nhi khoa Cenica, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược, có 7 nguyên nhân phổ biến sau.
1. Mẹ không điều trị dứt điểm cho bé ở lần bệnh trước. Tức là các em không dùng đủ liều thuốc, đủ thời gian thuốc theo đơn. Cho con uống thuốc thấy xót ruột, hay khó cho uống, được vài hôm thấy con đỡ là cha mẹ dừng lại không dùng tiếp thuốc nữa. Sai lầm này các phụ huynh thường mắc phải. Không dứt điểm thì mầm mống vi khuẩn gây bệnh nó vẫn còn trong tai và khi có điều kiện thuận lợi nó lại tiếp tục gây bệnh trở lại.
2. Trẻ bị mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, viêm amidan,... nhưng không điều trị sớm, điều trị không đúng cách hoặc không dứt điểm nên lây lan sang tai gây viêm tai giữa.
3. Tự ý dùng thuốc tại nhà, dùng lại theo đơn cũ nên không đúng liều, đúng thuốc.
4. Không cho trẻ tái khám sau đợt dùng thuốc.
5. Đề kháng của trẻ kém nên dễ bị vi khuẩn tấn công.
6. Môi trường sống độc hại, ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói thuốc lá...
7. Rửa mũi sai cách khiến nước muối tràn lên tai gây viêm tai giữa.
Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Dùng đúng thuốc kháng sinh và đủ thời gian theo kê đơn.
Viêm tai giữa chia thành 3 thể: thể nhẹ, thể trung và thể nặng. Trẻ chỉ dùng kháng sinh khi đã bị ở mức độ trung và nặng. Thuốc kháng sinh được ưu tiên sử dụng trong điều trị viêm tai giữa là Augmentin vì nó có chứa hoạt chất là amoxicillin/clavulanate có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh rất tốt. Cha mẹ nên nhớ là không tự ý hạ liều hay cắt giảm thời gian xuống khiến bé dễ bị nhờn thuốc, tái nhiễm. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời gian điều trị ở mỗi trẻ không giống nhau.
- Tai - mũi - họng có mối liên hệ mật thiết với nhau nên khi vệ sinh mũi họng cho trẻ, mẹ chú ý không xịt rửa mạnh hay khi bé đang nằm ngửa.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, hạn chế cho trẻ đến những nơi có nhiều khói bụi hoặc ở gần người hút thuốc lá.
- Trẻ nhỏ dễ bị virus, vi khuẩn tấn công do đó mẹ nhớ luôn duy trì chế độ ăn đủ chất, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, tiêm phòng và bổ sung tăng đề kháng đầy đủ!
- Trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị ngoại khoa như nạo VA; cắt amidan; đặt ống thông khí tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn