Đây là quy định mới tại Nghị định 64/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/6/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Tại điều 14 Nghị định quy định:
- Phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: Vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng:
Vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn dưới 100.000.000 đồng;
Thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng;
- Từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có một trong các quyết định:
Không khởi tố vụ án hình sự;
Hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự;
Đình chỉ điều tra;
Đình chỉ vụ án.
Bên cạnh quy định trên, Nghị đinh cũng quy định mức phạt đối với các hành vi:
- Vi phạm về điều kiện cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản (điều 6)
- Vi phạm về chất lượng trong sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản (điều 7)
- Vi phạm về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản (điều 8)
- Vi phạm về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản (điều 9)
- Vi phạm về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản (điều 10)
- Vi phạm về sản xuất, gia công, mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hạn sử dụng (điều 11)
- Vi phạm về khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản (điều 12)
- Vi phạm về sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có chứa kháng sinh (điều 13)
- Vi phạm về quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi trong khu bảo tồn (điều 15)
- Vi phạm về khai thác và bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm (điều 16)
- Vi phạm về trao đổi quốc tế nguồn gen vật nuôi quý hiếm (điều 17)
- Vi phạm về khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi mới (điều 18)
- Vi phạm về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi (điều 19)
- Vi phạm về sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng (điều 20)
- Vi phạm về nhập khẩu giống vật nuôi (điều 21)
- Vi phạm về chất lượng giống vật nuôi trong kinh doanh (điều 22)
- Vi phạm khác trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống thủy sản (điều 23)
- Vi phạm về giấy chứng nhận, văn bản cho phép, giấy phép về giống vật nuôi (điều 24)
- Vi phạm quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi (điều 25)
Nghị định cũng quy định: Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Phạt bổ sung, khắc phục hậu quả
Khoản 2 điều 4 Nghị định còn quy định hình thức phạt bổ sung và yêu cầu khắc phục hậu quả như sau:
- Phạt bổ sung:
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Khắc phục hậu quả:
Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này được áp dụng như sau:
Buộc thu hồi giống vật nuôi; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;
Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;
Buộc tiêu hủy chất cấm; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; vật nuôi, thủy sản; giống vật nuôi;
Buộc hủy kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Buộc sửa đổi thông tin đối với lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo;
Buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi, thủy sản đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ hoặc thu hoạch;
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
Buộc di chuyển cơ sở sản xuất giống thủy sản;
Buộc cải chính kết quả khảo nghiệm, kiểm định.