Ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm tử vong sau 12 ngày phát bệnh

20:51 | 23/03/2024;
Trường hợp dương tính với cúm A/H5N1 tại Khánh Hoà đã tử vong sau 12 ngày khởi phát bệnh. Đây là ca đầu tiên tử vong do cúm A/H5N1 tại Việt Nam trong năm nay, chưa rõ nguồn lây nhiễm.

Trước đó, ngày 11/3, nam thanh niên B.T.Đ, 21 tuổi (ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà) có triệu chứng sốt, ho nhẹ nên tự mua thuốc uống. Đến 15/3, bệnh nhân đến khám tại Cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp/theo dõi sốt xuất huyết Dengue và đề nghị nhập viện. Tuy nhiên, nam thanh niên này không đồng ý nhập viện mà điều trị ngoại trú.

Ngày 16/3, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng, được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo nên nhập viện. Đến ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân được chuyển vào khoa Nội tổng hợp thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa với chẩn đoán viêm phổi, nhiễm trùng tiểu. Đến 14h ngày 18/3 bệnh nhân khó thở, thở nhanh nên được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Ngày 20/3, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân B.T.Đ. từ Viện Pasteur Nha Trang phát hiện bệnh nhân dương tính với cúm H5N1. Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa. Bệnh viện này liên tục hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng tình trạng bệnh nhân quá nặng, không thể qua khỏi.

Trưa 23/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Tuy đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã rất tích cực điều trị nhưng do tình trạng bệnh của bệnh nhân quá nặng, phổi đã bị xơ nên bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 đã tử vong sau 8 ngày điều trị".

Ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm tử vong - người dân cần cảnh giác- Ảnh 1.

Nam thanh niên mắc cúm A/H5N1 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà trong tình trạng quá nặng và đã không thể qua khỏi.

Cần cảnh giác hơn với cúm A H5N1

Từ 1997, sự bùng phát của vi rút H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ tính riêng từ tháng 12/2003 đến 19/6/2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm cúm A/H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở Châu Á. Indonesia là nước có nhiều ca tử vong nhất do căn bệnh này gây ra với 110 người chết trong 135 ca nhiễm. Tại Việt Nam, kể từ khi xuất hiện cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008 tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, cúm A H5 là vi rút cúm lây từ gia cầm sang người thông qua việc hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) từ những con vật bị nhiễm bệnh.

Khi mắc cúm A H5N1, người bệnh có sốt và sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày. Nhiệt độ có thể lên tới 40- 41độ C, có những trường hợp chỉ sốt nhẹ 38- 38,5 độ C, những trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân sức đề kháng giảm nhiều như: suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo.

Bệnh nhân thường có cảm giác đau đầu, đau mỏi người, có thể thấy đau quanh hốc mắt. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể có rối loạn ý thức. Biểu hiện da nóng, đỏ xuất hiện ở những bệnh nhân sốt cao, khi có suy hô hấp có tím môi, đầu chi.

Bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân, do vậy các bác sĩ khuyến cáo cần đặc biệt lưu ý khi ở vùng có nhiều gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) chết, lại xuất hiện những người có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người… Ngay khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A/H5, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này thông qua việc tiêm chủng, áp dụng các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh. 

Lý do chủng H5N1 trở nên nguy hiểm:

- Khả năng đột biến nhanh và chứa các gen từ các loài động vật khác nhau.

- Độc lực cao, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh nặng ở người.

- Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân, do đó làm tăng khả năng lan truyền theo các đàn chim di cư.

- Khả năng lây truyền trực tiếp từ gia cầm, chim sang người.

- Khả năng tái tổ hợp nhiều gen virus cúm ở người và động vật , làm cho virus có thể lây dễ dàng từ người sang người, nguy cơ gây đại dịch ở người.

- H5 là type có độc lực cao, khả năng tồn tại lâu trong môi trường, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp. Virus có thể bị giết chết ở 56oC trong 3 giờ và 60oC trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodine.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn