Phát biểu phiên thảo luận tại nghị trường chiều nay (15/6), đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị nhanh chóng tăng trong những tháng đầu năm 2020. Thống kê qua 4 tháng, tỷ lệ thất nghiệp tăng 20% so cùng kỳ. Đến đầu tháng 6, cả nước có nửa triệu lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Về việc làm và tạo việc làm mới cũng giảm rất nhanh trên thị trường lao động. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay, tỷ lệ tạo việc làm mới chỉ bằng 77% so với cùng kỳ 2019, trong khi tỷ lệ lao động mới tham gia vào thị trường chỉ còn 75,4%, thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Đặc biệt, số doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất lên tới 1.400 doanh nghiệp và 124.000 lao động. Theo đại biểu Lợi, điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn.
Qua đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ tiếp tục điều chỉnh điều kiện, tiêu chuẩn để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động được hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.
Cung cấp thêm thông tin, đại biểu Lợi cho biết: Hiện nay, cả nước đã có 16 triệu lao động được hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng trên tổng số dự báo hơn 20 triệu lao động thuộc đối tượng được hưởng. Trong đó có 6 triệu lao động đã được hưởng hỗ trợ do bị giảm sâu thu nhập.
Mặt khác, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, gói hỗ trợ 16.000 tỷ cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động với mức 1,8 triệu đồng/người, hiện nay các doanh nghiệp "không tiếp cận được". Qua đó, đại biểu đề nghị Chính phủ điều chỉnh giảm điều kiện và tiêu chí để xử lý.
Về vấn đề hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Nghị quyết về nội dung này sắp được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là "tại sao lại đặt tiêu chí doanh nghiệp có doanh thu 50 tỷ đồng, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho dưới 100 lao động thì mới được hưởng hỗ trợ về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?".
Đại biểu Lợi đề nghị cần phải xem xét lại tiêu chí này, bởi các doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn nêu trên chưa chắc đã khó khăn hơn các doanh nghiệp khác.
Chung mối quan tâm về lĩnh vực lao động, việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho biết: Dự báo từ nay đến hết năm, thị trường lao động đang cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật để đón đầu các dự án đầu tư mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kiềm chế tốt đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một thực tế là, lao động phổ thông thì dễ dàng đáp ứng đủ, nhưng lao động có tay nghệ kỹ thuật thì không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. "80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết họ rất khó tìm lao động chất lượng. Không có lao động tay nghề cao là cản trở lớn trong việc vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu", đại biểu Dung nói.
Đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong đào tạo lao động như: Quy mô lực lượng lao động hiện nay đạt khoảng 55 triệu người, nhưng lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ khoảng 24%. Quy mô tuyển sinh chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường. Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng đào tạo của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Dung, khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, để chủ động về nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 và cách mạng 4.0, yêu cầu sống còn đối với mỗi doanh nghiệp là phải đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp cho người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, theo cơ chế doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn