Cả nước có 2.988 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời

18:41 | 27/07/2023;
Đó là một trong những thông tin được ông Nguyễn Xuân Long, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ trong cuộc trao đổi với PNVN xung quanh vấn đề thực hiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng.

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng thời gian qua?

Ông Nguyễn Xuân Long: Có thể nói, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng là rất toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó nổi bật là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng.

Hiện nay, cả nước có gần 1,2 triệu người có công và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Gần 1.815.000 đối tượng người có công được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Có khoảng 49.000 người có công và con của họ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trong đó có trên 24.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 25.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với Cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 

Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn...

Đẩy mạnh công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ  còn thiếu thông tin - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Long, Phó Cục trưởng Cục Người có công

Trong dịp tháng 7 này, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với Cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu của quy hoạch này hướng đến việc hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

PV: Đối với đối tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện có những chính sách ưu đãi, tri ân như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Long: Để các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có đời sống tốt hơn, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, như sau: "chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ; trợ cấp hằng tháng bằng 03 lần mức chuẩn; phụ cấp hằng tháng…". 

Như vậy, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ngoài các chế độ đối với thân nhân của liệt sĩ thì mức trợ cấp bằng 03 lần mức chuẩn. Cùng với chính sách ưu đãi của nhà nước, công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" được đẩy mạnh. Hiện nay, cả nước có 2.988 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách với người có công hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Long: Qua các thời kỳ kháng chiến, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản lý không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc ghi nhận sự việc bị chết, bị thương trong kháng chiến... 

Vì vậy, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác nhận người bị chết là liệt sĩ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Vì vậy, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 131/NĐ-CP đã dành 1 Chương để quy định việc xem xét giải quyết những trường hợp trên theo quy trình chặt chẽ và có sự tham gia của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và toàn thể nhân dân.

PV: Để giải quyết những tồn tại, nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020, cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Long: Để nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp luật ưu đãi người có công với Cách mạng trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với Cách mạng. Xã hội hóa hoạt động ưu đãi người có công với Cách mạng, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa ba chủ thể: 

Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng; trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ưu đãi xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công. 

Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót trong việc xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trên 9,2 triệu là số người có công, thân nhân người có công với Cách mạng đã được xác nhận trên cả nước. Trong đó, có: - Hơn 1,2 triệu liệt sĩ.

- Gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

- Hơn 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

- Gần 185.000 bệnh binh.

- Trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Nguồn: Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn