Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua, đạt trên 3 tỷ USD. Cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan… Thị trường cà phê nội địa phát triển mạnh với sự có mặt của khoảng 300.000 quán cà phê trên cả nước, trong đó nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê Việt được người tiêu dùng rất ưa thích.
Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, cà phê Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như: mất mùa, năng suất giảm, giá bán thấp khiến người trồng cà phê lao đao… Tại Hội nghị Tổng kết niên vụ 2020, tổ chức ở TPHCM, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết, các chuyên gia dự báo thị trường cà phê thời gian tới có thể phục hồi, nhưng rất chậm do tình hình đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch ở nhiều khu vực chưa được mở cửa trở lại. Tiêu thụ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng do nhiều quán cà phê vắng khách, thậm chí phải đóng cửa…
Ông Lương Văn Tự nhấn mạnh, trong 1 thập kỷ qua, ngành cà phê đã đạt được sứ mệnh sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil. Giai đoạn tiếp theo, toàn ngành cà phê sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu với tỷ trọng đạt 30 - 40% sản lượng và các thương hiệu mạnh. Đến năm 2030, dự kiến tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê là 200% so với hiện nay.
Trong thời gian tới, ngành cà phê vẫn sẽ chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường... Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương có thế mạnh về sản phẩm cà phê, các tổ chức và doanh nghiệp, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành cà phê Việt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn