Amy Lê Anh xuất thân là ca sĩ phòng trà, chuyên về dòng nhạc tiền chiến và trữ tình. Chị là cháu ruột, gọi danh ca Giao Linh bằng bà. Chị từng đạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát phát thanh do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức năm 2004.
Bên cạnh vai trò ca sĩ, Amy Lê Anh còn được yêu mến khi tham gia một số dự án phim ảnh như: Phượng Khấu, Bánh bèo hữu dụng, Dương thế bao la sầu, Chuyện kể của người chết…
Đang được yêu mến, Amy Lê Anh bỗng từ chối nhiều lời mời đi hát, đóng phim và dành phần lớn thời gian rong ruổi từ quốc gia này đến quốc gia khác, làm "người kết nối", tạo ra những sân chơi cho người Việt khắp nơi trên thế giới thông qua các hoạt động thương mại, văn hóa nghệ thuật.
Trong năm 2023, nữ ca sĩ sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn, trong đó phải kể tới: Hành trình Văn hóa Việt Nam - Âu châu diễn ra vào tháng 8 tại Pháp, Đức, Ba Lan; Chương trình Á châu tại Hàn Quốc vào tháng 10 tới.
Nữ ca sĩ đã chia sẻ về con đường khác biệt mà mình đang đi.
- Ai theo đuổi nghệ thuật đều mong muốn được đứng trên sân khấu, được nổi tiếng, giờ chị lại quyết định rẽ sang một hướng đi khác. Vì sao vậy?
Có lẽ vì tôi suy nghĩ thực tế. Dù làm giải trí hay văn hóa nghệ thuật thì cũng đều phải có kinh tế. Không hát, không đứng trên sân khấu nhưng tôi tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật.
Bản thân tôi là nghệ sĩ rất yêu văn hóa Việt Nam và yêu cả việc kiếm tiền. Nghệ sĩ hiện nay đang bị lẫn lộn giữa làm văn hóa và kiếm tiền. Nếu làm văn hóa, họ sẽ tập trung cho văn hóa và không đau đáu kiếm tiền. Tôi đang cân bằng cả hai bằng cách tạo sân chơi có văn hóa, có nghệ sĩ tham gia để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam hơn.
- Tuy nhiên, hướng đi của chị có vẻ tách rời hoàn toàn giới giải trí trong khi chị xuất thân là ca sĩ. Vậy con đường đó có khó khăn cho chị không?
Không có gì khó khăn. Tôi biết ơn Tổ nghiệp đã cho tôi cơ hội được đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới trong thời gian tôi còn đi hát, nhờ vậy tôi có dịp tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là lợi thế lớn cho tôi khi làm công tác tổ chức các hoạt động thương mại, văn hóa kết nối Việt Nam và quốc tế.
Nghệ sĩ là những người rất nhạy cảm, vui buồn lẫn lộn. Ngày xưa, tôi cũng từng như vậy nhưng sau này thì kiểm soát được bản thân và nhìn nhận cuộc sống khác nhiều đồng nghiệp. Bên cạnh đó, tôi có máu kinh doanh nên sống thực tế hơn.
Tôi vẫn rất yêu nghề vì nếu không yêu nghề, tôi sẽ không tổ chức các chương trình ca hát, nghệ thuật. Khác chăng, tôi yêu nghề ở một tầm nhìn khác. Khi tổ chức những chương trình đó, tôi cũng có chuyên môn. Tôi là hội viên Hội Âm nhạc TPHCM, cũng có những giải thưởng về âm nhạc.
- Đi khắp thế giới thiết lập các mối quan hệ ngoại giao rồi tổ chức những sự kiện mang tầm quốc tế, có khi nào chị bị quá tải?
Thật lòng thì cũng có lúc tôi bị quá tải nhưng may mắn là mình làm tới đâu, các cánh cửa lại mở ra tới đó. Cho nên đến giờ phút này, tôi vẫn kham được. Hồi xưa, tôi phải tự làm từ A đến Z nhưng hiện giờ, tôi được sự hỗ trợ rất nhiều từ các ban ngành, lại có cả đội ngũ đồng hành phía sau thì mọi thứ đang rất suôn sẻ.
2 năm dịch bệnh, tôi từng rơi vào trầm cảm vì nhiều biến cố ập đến cùng lúc nhưng trời thương mở cho tôi con đường này. Tôi cảm nhận đây là sứ mệnh của mình.
- Tâm huyết với các dự án kết nối thương mại, văn hóa quốc tế như vậy, nếu được mời đi hát, đi đóng phim vào thời điểm này, chị có nhận lời không?
Tôi có nhận được lời mời nhưng trong giai đoạn này, tôi từ chối hoàn toàn. Một số chương trình ca nhạc mời, tôi rất thích hát nhưng vẫn từ chối vì sợ mình không có thời gian dưỡng giọng. Tôi phải ngủ đủ giờ mới hát được, chưa kể phục trang, make-up… rất nhiều thứ đi cùng khi tham gia một show diễn. Hồi hát show với bà Giao Linh, tôi chuẩn bị tới mấy tháng.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn