9 năm kể từ Sao Mai 2011, Bích Hồng chọn một con đường khiến nhiều người ái mộ tiếc nuối. Người ta bảo, nghệ sĩ mà không tham vọng thì khó giữ hào quang. Bích Hồng lại nghĩ khác: Không nên biến tham vọng thành sự tham lam bởi mỗi con đường đều có ánh sáng riêng của nó.
Hồi cô thi Sao Mai 2011, NSND Trung Kiên từng bức xúc khi cô học trò cưng Bích Hồng chỉ giành được giải Ba dòng dân gian. Ông bảo, Bích Hồng sẽ tiến xa với sự khổ luyện, tính chịu thương chịu khó, ưa thử thách, tìm tòi. Bích Hồng sau đó đã đi một quãng đường dài với nhạc dân gian nhưng một ngày, cô quyết định rẽ sang hướng khác, trở thành một giảng viên thanh nhạc. Không phải vì không đủ đam mê, không phải vì không tham vọng, chỉ là sự thông minh và cầu toàn khiến cô biết nên dừng ở điểm nào thì vừa vặn, cân bằng.
Hạnh phúc với thành công của học trò
+ Cuộc sống của một giảng viên thanh nhạc có lẽ không thể nhiều màu sắc như một nghệ sĩ trình diễn. Bích Hồng đang tận hưởng cuộc sống của mình theo cách nào?
Tôi nghĩ cuộc sống có nhiều gam màu, rất khó để so sánh. Sau thành công tại Sao Mai, tôi đi diễn rất nhiều. Sân khấu, khán giả cho mình những trải nghiệm quý báu, những cảm xúc, hạnh phúc lớn lao. Kể từ khi làm công việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, tôi lại có những trải nghiệm mới. Niềm vui giờ đây là chứng kiến thành công của học trò, là được trau dồi chuyên môn từng ngày, là có thời gian chăm lo cho tổ ấm của mình, được nhìn các con lớn lên, được ăn bữa cơm tối bên gia đình. Tôi vẫn đi hát nhưng có chọn lựa, vẫn ra CD, MV để tri ân khán giả của mình. Đó là cách tôi tận hưởng cuộc sống.
+ Có nhiều tên tuổi trong giới thanh nhạc vừa giảng dạy vừa trình diễn đều đặn và họ cân bằng hai công việc đó rất tốt. Bích Hồng có đủ điều kiện để làm song song hai công việc đó, tại sao chị lại không?
Vì tôi muốn cả ba chứ không phải cả hai (cười). Ngoài công việc ở trường, tôi còn có một gia đình cần chăm lo. Hơn nữa, tôi là người làm gì cũng chuyên tâm. Việc giảng dạy lấy nhiều thời gian và tâm huyết của tôi. Thời gian còn lại, tôi phải chọn điều gì để ưu tiên. Và tôi chọn gia đình thay cho sân khấu.
Thú thực, việc ít đi hát khiến tôi từng có quãng thời gian chông chênh. Đó là khi trở lại sân khấu sau một thời gian tạm xa, mình cảm thấy có chút gì đó lạc điệu, giống như mình đã chậm một nhịp so với thế giới bên ngoài. Rồi cảm giác tự ti, bối rối khi vóc dáng của mình đã khác xưa, không thon thả như lúc chưa làm mẹ. Tôi bỗng nhiên bị hồi hộp trước mỗi lần bước ra biểu diễn, điều mà ngày xưa không bao giờ tôi bị. Nhưng điều đó cũng có cái hay là tôi trở nên cầu toàn hơn, kỹ lưỡng hơn, với tâm niệm mỗi lần biểu diễn trước khán giả phải luôn là một kỷ niệm đẹp.
+ Bích Hồng có nghĩ rằng, sự lựa chọn của chị sẽ khiến người ta nghĩ chị không đủ đam mê với ca hát?
Nếu không đủ đam mê, sao tôi có thể làm giảng viên thanh nhạc, đào tạo ra các ca sĩ tương lai? Tôi nghĩ người giảng viên giỏi không chỉ dạy kỹ thuật, kỹ năng mà còn phải truyền cảm hứng, thắp được "ngọn lửa" nghề trong tim học trò của mình. Sẽ ra sao nếu trái tim của người thầy không có "lửa"?
+ Dốc hết bí quyết để dạy trò, nếu một ngày kia trò thành công và nổi tiếng hơn mình, Bích Hồng liệu có chạnh lòng không?
Tôi không hiểu tại sao lại có sự "chạnh lòng". Tôi nhớ thầy cô của tôi là NSND Trung Kiên và ca sĩ Phương Nga đã hạnh phúc như thế nào khi tôi thành công. Bởi thành công của tôi là công trình của thầy tôi. Tôi nghĩ, khi học trò của tôi thành công thì tôi còn vui hơn cả các em ấy. Vì đó cũng chính là thành quả của tôi.
+ Niềm vui của một người đứng sau hào quang có khác?
Khác chứ. Nhưng phía sau hào quang không phải là bóng tối. Phía sau hào quang là một ánh sáng khác, cũng đầy đủ cảm xúc, sự thăng hoa, dư âm ngọt ngào. Tôi may mắn khi được trải qua trọn vẹn hạnh phúc của một người đứng dưới ánh đèn sân khấu và một người đứng sau hào quang.
Không biến tham vọng thành tham lam
+ Ông xã của Bích Hồng thích vợ của mình đứng trên sân khấu hay đứng sau hào quang?
Tôi chưa bao giờ hỏi. Với tư cách là fan của vợ thì anh ấy thích tôi đứng trên sân khấu. Với tư cách là chồng, có lẽ anh ấy thích tôi lui về. Thời yêu nhau, anh ấy thường xuyên đưa đón tôi đi diễn. Giờ lấy nhau rồi vẫn vậy, vẫn đón đưa, không bao giờ kêu ca phàn nàn. Mỗi khi tôi ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, anh ấy luôn giúp đỡ ân cần. Tôi biết ơn duyên phận, khi trong hàng triệu con người mà tôi lại gặp được người đó. Anh ấy luôn quan tâm, yêu âm nhạc và thích dòng nhạc của tôi nữa. Tôi được chia sẻ rất nhiều cả trong cuộc sống lẫn niềm đam mê. Chỉ có điều, anh ấy càng như vậy thì tôi càng biết tiết chế bản thân mình.
+ Không phải ai cũng may mắn có được những điều kiện thuận lợi như Bích Hồng. Tại sao chị không thoải mái bay nhảy theo giấc mơ của mình hay là vì chị không tham vọng?
Tôi nghĩ người nghệ sĩ cần tham vọng nhưng không nên biến tham vọng đó thành sự tham lam. Không phải tôi không tham vọng mà tôi sợ rằng nếu mình không điều khiển tham vọng của mình tốt thì sự ổn định này sẽ bị phá vỡ. Nếu tôi nỗ lực để hào quang trên sân khấu của mình rực rỡ hơn thì tôi sẽ không có học trò giỏi, con cái sẽ không chăm sóc đầy đủ, chồng tôi cũng không có được sự yên tâm, tin cậy như hiện tại. Mọi thứ nên vừa vặn thì hơn. Tôi nghĩ thế.
Thấy mình đẹp nhất khi mặc áo dài
+ Có khi nào, để "chiều lòng" ông xã của mình mà Bích Hồng luôn trung thành với trang phục áo dài trên sân khấu suốt nhiều năm qua không?
Tôi mặc áo dài không phải vì ông xã mà vì tôi tự tin khi mặc áo dài. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp từng khuyên tôi thay đổi. Có lần nghe bạn mà tôi mặc váy lên sân khấu, mặc xong tôi hối hận luôn. Tôi thấy mình đẹp nhất khi mặc áo dài.
+ Nghe đồn Bích Hồng sở hữu một tủ đồ với cả trăm bộ áo dài?
Tôi xin đính chính, tin đồn đó không phải tin đồn, mà là thật (cười). Nghệ sĩ thì ai cũng có nhiều váy áo nhưng vì tôi hầu như chỉ mặc áo dài nên việc sở hữu nhiều áo dài cũng là chuyện bình thường.
+ Bí quyết chọn áo dài của Bích Hồng là gì để luôn có diện mạo hoàn hảo trên sân khấu?
Tôi có một số nhà thiết kế ruột của mình, những người hiểu vóc dáng của tôi, biết tôi có những ưu, khuyết điểm nào để làm ra những chiếc áo tôn được vóc dáng, che được khuyết điểm. Với tôi, đó là những chiếc áo vô giá. Ví như, nhà thiết kế Cao Minh Tiến, anh chỉ lấy số đo của tôi một lần duy nhất. Mỗi lần cần áo, tôi chỉ bảo với anh rằng tôi đang béo lên đấy hay đang gầy đi đấy, hoàn toàn không tới đo lại, mà chiếc áo anh gửi tới tôi trước giờ diễn vẫn vừa như đúc.
+ Cảm ơn Bích Hồng về cuộc trò chuyện này!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn