Ca sĩ Lê Nam Khánh: Thăng hoa trong sự bình yên

21:41 | 25/09/2015;
Chất ‘phiêu’ của Nam Khánh không bộc lộ rõ như nhiều nghệ sĩ khác. Sự chỉn chu của nam ca sĩ này khiến người ta dễ nghĩ sang phong cách của người thầy dạy đơn thuần. Nhưng, vậy thì lầm chết!

Lời hát ru cho con

Cuộc trò chuyện của chúng tôi, do công việc đột xuất, nên kéo dài tới… 2 ngày. Tối muộn thì Nam Khánh mới rảnh rang và khi kết thúc buổi phỏng vấn, đồng hồ trên tay tôi đã chỉ sang con số gần 1h sáng ngày hôm sau. Dù vậy, Nam Khánh vẫn vui vì đã kịp hát ru cho con trai đi ngủ sớm để mai tới lớp không bị trễ.

Khi tôi nói, đã 5 năm rồi, không thấy Nam Khánh xuất hiện nhiều trong vai trò ca sĩ, mà chủ yếu ở vai trò làm thầy đào tạo thanh nhạc, giám khảo các chương trình ca nhạc và làm… khán giả, thì Khánh ngạc nhiên. “Đúng vậy, đó là con số chính xác. Đã 5 năm qua, ngoài chuyện thỉnh thoảng nhận show diễn trong các sự kiện, cứ bắt đầu 9h sáng là Khánh lên lớp giảng dạy. Đều đặn như vắt chanh”. Do không hề cảm thấy cần phải “bon chen” gì, nên yên bình làm khán giả của con trai, của các học trò và của chính mình. Đôi lúc Nam Khánh hát nghêu ngao vài câu, tự so sánh, ồ, ngày xưa mình hát sao ngô nghê quá.

Vai trò “ca sĩ” hàng ngày của Nam Khánh được phát huy tối đa vào trước giờ đi ngủ của con. Từ khi bé còn nhỏ xíu xiu đã được bố hát ru để dễ chìm vào giấc ngủ. Thường thường, Khánh ru con bằng các bài hát dân ca. Nhưng có 1 lần thì người cha này thay đổi. Cũng là bài mang âm hưởng dân ca, song ca từ mới. Bài hát nói về tình cảm gia đình yêu thương nhau. Cậu con trai nằm im, tưởng đã chuẩn bị chìm vào giấc ngủ rồi, ai dè tự nhiên thấy con khóc nức nở. “Ô, con trai làm sao thế?”. “Bố ơi, bố hát xúc động quá, bài hát sao nghe buồn vậy!”. Không cần cả ngàn khán giả vỗ tay cuồng nhiệt bên dưới, chỉ duy nhất khán giả nhí này thôi, với tình cảm dạt dào ấy, cũng quá đủ để ông bố nghệ sĩ nổi tiếng này mềm oặt tâm hồn.

Từ nỗi niềm sau những “thành công” hát ru con ngủ, Nam Khánh lan sang nghề nghiệp của mình. Sở hữu chất giọng tenor sáng, khỏe, trước đây, nam ca sĩ này rất thích biểu diễn các bài hát thể hiện được sở trường. Nhưng càng ngày, kinh nghiệm sống đã cho anh cái nhìn khác. Dòng nhạc nào cũng đừng bao giờ phân chia, bởi mục đích cuối cùng vẫn là hát có cảm xúc hay không mà thôi. Đừng cho rằng, hát bài khó là khó. Một bài đơn giản mà ca cho thiệt hay, đó mới là đỉnh cao cần phải vượt qua. Cái đỉnh này, để nhận ra được cũng chẳng dễ dàng gì.

Bên nhau chỉ cần chữ ‘duyên’

Nam Khánh không chỉ miệt mài học 15 năm trời tại Nhạc viện TPHCM mà còn tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM. Khi mới lên 7 tuổi, theo sự định hướng của gia đình, cậu bé Khánh đã theo học piano trong Nhạc viện khóa 11 năm. Chơi nhạc cổ điển thời gian dài, lại ở lứa tuổi bắt đầu khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống, khiến Khánh bị mất phương hướng.

Chuẩn bị tốt nghiệp THPT, cùng lúc hoàn tất khóa học piano, Nam Khánh tự nhiên nản, không muốn theo con đường nghệ thuật nữa. Cậu quyết định thi vào trường ĐH Kinh tế, theo ngã rẽ khác. Nhưng vừa chuẩn bị rời bỏ mọi thứ thì dịp tình cờ, thầy Quốc Trụ nghe được giọng ca của Nam Khánh. Thầy nói: “Giọng em được đó, hãy học để theo nghề ca sĩ đi!”. Vậy là được sự dẫn dắt của người thầy mát tay này, Nam Khánh tiếp tục đăng ký và thi đậu vào khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM. Học cùng lúc 2 trường với thời gian biểu sít sao khiến Nam Khánh phải sắp xếp mọi thứ vô cùng hợp lý.

Khi cậu đoạt lần lượt các giải: Huy chương Vàng Tiếng hát học sinh, sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997; giải Nhất Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 1999; giải Nhì Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc năm 1999 (giải Sao Mai), thì Nam Khánh biết rằng, duyên nghiệp nghệ thuật đã chọn lựa và đi cùng suốt cuộc đời này.

Vào năm 2005-2006, Nam Khánh đã vượt qua các ứng cử viên “nặng ký” của Mỹ, Malaysia và Ấn Độ, để giành được học bổng âm nhạc tại trường Berkeley (Mỹ). Đây là ngôi trường rất hạn chế học bổng cho sinh viên châu Á nhưng Khánh đã xuất sắc để được lựa chọn. Chương trình học gồm 2 năm tại Malaysia, sau đó mới chuyển qua Mỹ. Nam Khánh lên đường nhập học với tâm thế vô cùng háo hức. Ấy nhưng chỉ sau đúng 1 tháng thì Khánh xách vali quay trở lại Sài Gòn. Cậu con trai duy nhất của 2 nhạc sĩ Lê Khiêm và Minh Ngọc đã không thể thích ứng được với đồ ăn tại Malaysia. Nam Khánh trở về với thân hình gầy rộc, hốc hác, khiến có cô gái đem lòng thương nhớ, xót xa. Họ chia sẻ với nhau những chuyện đã qua và những chuyện sắp tới. Giờ, cô gái ấy đã trở thành người vợ hiền thảo, chia sớt vui buồn hàng ngày với nam ca sĩ có giọng ca cao vút, đẹp hiếm thấy này.

Cái duyên đến bên đời, còn là sự hợp và tan của nhóm nhạc đình đám một thời AC&M, mà Nam Khánh từng là trụ cột. Khánh tâm sự: ‘Lúc đầu thành lập nhóm, anh em gắn bó bên nhau, tôi không bao giờ nghĩ có ngày sẽ chia tay. Nhưng đã hết duyên rồi thì níu kéo lại cũng không được nữa. Nên tạm biệt và còn lại trong nhau nhiều kỷ niệm tốt đẹp còn hơn sự cố gắng gượng ép’. 

Chọn một chỗ đứng an lành

Sau gần 20 năm cầm mic biểu diễn, ca sĩ Nam Khánh vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên hát lypsinc. Đó là 1 chương trình truyền hình trực tiếp. Vì tính chất của chương trình này không thể biên tập lại được nếu có sự cố, nên Ban tổ chức đề nghị ca sĩ hát lypsinc. Nghe theo lời khuyên đó nhưng vì không phải cách làm việc của Nam Khánh, nên đêm ấy về, Khánh day dứt tới mất ngủ.

‘Vậy nhưng, nguy hiểm ở chỗ, sau này tôi vẫn phải ‘diễn’ giống như lần đầu tiên ấy, mà giờ không còn cảm thấy day dứt nữa. Cuộc đời thật sự là tàn nhẫn. Tôi không biết làm sao để mình có thể quay trở lại được cảm giác trước đây. Với tinh thần của tôi, đó chính là sự báo động. Tôi vẫn chỉ thích cầm micro và hát live, với ban nhạc sống’, Nam Khánh chia sẻ.

Để có thể bù đắp vào nỗi trống trải do bị cuộc sống 'đánh cắp', Nam Khánh dồn sức để truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ. Không 'ngủ nướng' như nhiều nghệ sĩ khác, anh đều dậy từ sớm để bắt đầu ngày mới với các lớp học. Việc nhận show đi diễn cũng được Nam Khánh chọn lọc kỹ càng. Sự pha trộn giữa dòng máu Nam bộ hào sảng từ người cha và dòng máu Bắc bộ khéo léo của người mẹ đã tạo cho anh biết thăng hoa trong sự bình yên.

Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, cũng đều để hướng đến điều tốt đẹp mà thôi. Chọn 1 chỗ đứng an lành giữa phố đời tấp nập, giống như góc ban-công trồng cây và nuôi cá cảnh của ngôi nhà có mặt tiền bên con phố ồn ào mà Nam Khánh đã sinh ra và lớn lên. Để cho mọi điều đều dễ thương một cách có chọn lọc!

Thời gian gần gũi bên nhau là vấn đề khó nhất của Nam Khánh

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn