Ca sĩ Lê Uyên: “Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau…”

11:53 | 03/10/2015;
Không có gì đẹp hơn tình yêu và cũng chẳng có gì đau hơn sự chia cắt của tình yêu. Tình yêu và âm nhạc kéo 2 tâm hồn Lê Uyên và Phương gần nhau, để rồi cống hiến cho cuộc đời những giọt nhạc còn mãi với thời gian.

Đường vô trái tim

Ngày ấy, khi thiếu nữ 15 tuổi Lâm Phúc Anh từ Chợ Lớn, Sài Gòn, lên Đà Lạt, cô không ngờ chuyến đi đó đã trở thành định mệnh trong cuộc đời. Rời khỏi nơi xô bồ để chứng kiến những lãng đãng mây mờ, trái tim cô gái đã loạn nhịp khi gặp anh hàng xóm tên Lê Văn Lộc - chỉ cách nhà vài ba căn. Gia đình Lâm Phúc Anh ở số 18, còn nhà Lộc ở số 22 đường Võ Tánh, nay là Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Con đường vô phố, trở thành đường vô trái tim. Họ gần như đã thuộc về nhau, chỉ trong lần gặp mặt đầu tiên.

Song, tình yêu đẹp bao giờ cũng gặp trắc trở. Anh chàng Lộc trước đó từng chia sẻ rằng không bao giờ lấy vợ, dù là con trai độc nhất trong gia đình, bởi anh mắc bệnh nan y, bị cục u rất lớn ở tay. “Anh ấy nói rằng, tình cảm của chúng tôi liệu có chuyển thành bạn bè được không, khi anh ấy không chắc sống trên đời được bao lâu nữa. Vì yêu tôi mà chàng không muốn bất cứ hệ lụy nào đến với tôi”, ca sĩ Lê Uyên kể lại. Hơn thế, một cô tiểu thư con nhà giàu có đem lòng yêu thương người đàn ông gia cảnh nghèo khó, đã gặp sự ngăn cản quyết liệt của gia đình đến mức nào. Tuy vậy, Lâm Phúc Anh vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim. Cô kể lại: “Người ta tài hoa đến thế, lại còn cho tôi thấy cái tuyệt mỹ của tình yêu. Tôi đi theo sự nghèo khó ấy với tấm lòng phơi phới, hớn hở và thăng hoa không lời nào tả hết được”. Khi Lộc tâm sự: “Anh không sống lâu được đâu, anh không muốn làm khổ em”, thì tiểu thư xinh đẹp Lâm Phúc Anh đã kiên quyết: “Em chỉ hạnh phúc khi có anh. Nếu anh chết, em sẽ chết theo anh!”.

Chính vì tình yêu vô điều kiện và rất cuồng say của thiếu nữ ấy, mà người đàn ông hạnh phúc kia, đã cho ra đời ca khúc thấm đẫm miền yêu đương: “Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau. Chết bên nhau thật là hồn nhiên” (Dạ khúc cho tình nhân). Lê Văn Lộc và Lâm Phúc Anh kết hôn tại Đà Lạt năm 1968. Lê Văn Lộc lấy bút danh là Lê Uyên Phương, còn Lâm Phúc Anh lấy nghệ danh là Lê Uyên. Họ trở thành cặp song ca hát những bản nhạc nhẹ nổi danh khắp miền Nam thời điểm ấy, khi đi diễn, được gọi là Lê Uyên và Phương. Năm 1969, 2 người tạm biệt Đà Lạt để trở về Sài Gòn, cùng nhau diễn tại các phòng trà, trở thành thần tượng của thế hệ trẻ thời điểm ấy.

 

Thất vọng nhưng không tuyệt vọng

Lê Uyên sở hữu một giọng ca da diết. Vì hát trong tình yêu và cho chính tình yêu của mình, nên toàn bộ cảm xúc của cô đối với tác phẩm của Lê Uyên Phương đã hòa quyện vô cùng đặc biệt. Hình ảnh nhạc sĩ Lê Uyên Phương đệm guitar thùng, bên cạnh Lê Uyên tiểu thư khuê các, đẹp một cách trong sáng, đã tạo dấu ấn khó có thể phai mờ trong tâm trí các khán giả Sài Gòn. Lê Uyên chia sẻ: “Chúng tôi cứ thế, sống và hát; hạnh phúc là được nhìn thấy nhau; hạnh phúc là được ở bên nhau”.

Trong các tác phẩm của Lê Uyên Phương, Đêm chợ phiên mùa Đông, Dạ khúc cho tình nhân, Buồn đến bao giờ, Loài hươu đa cảm, Lời gọi chân mây, Tình khúc cho em, Vũng lầy của chúng ta… đều phảng phất bóng dáng chia lìa, nhưng hoàn toàn không bi lụy. Khi hát, Lê Uyên cũng truyền được tới người nghe cảm xúc ấy. Cô nói, Lê Uyên Phương quan niệm rằng, yêu thì cũng có nghĩa sẽ có lúc tan vỡ; nay sống thì mai rồi cũng chết, mọi thứ đều rất mong manh. Nhưng, “tình yêu ở ngoài đời hay tình yêu trong âm nhạc luôn bảo vệ con người. Sự tuyệt vọng của tình yêu rực rỡ đến nỗi, càng khắc nghiệt thì càng hay. Chúng tôi luôn muốn gửi đến bạn trẻ yêu nhạc triết lý sống ấy: Thất vọng trong tình yêu khi đối mặt với sự tan vỡ là điều cần có, tuy nhiên, đừng bao giờ tuyệt vọng!”.

Trong cuộc đời của mình, nữ nghệ sĩ này đã hết lòng cho tình ái và đã cảm thấy mọi điều sụp đổ khi người đàn ông của đời mình rời bỏ cõi tạm để về nơi cực lạc. Những ngày cuối đời của Lê Uyên Phương, trong khi người bệnh luôn hy vọng sẽ khỏi được bệnh, thì người kề cận bên ông, Lê Uyên, cảm thấy thực tế tệ hơn rất nhiều. Có lần, cảm nhận sự chia lìa, nhạc sĩ đã nói với Lê Uyên: “Khi anh chết, em hãy thay anh mang âm nhạc của anh về Việt Nam, để hát cho mọi người nghe”.

Thời khắc trái tim của Lê Uyên Phương ngừng đập, Lê Uyên đã cuống quýt lột đôi vớ của chồng ra để áp vô má mình. “Tôi nghe người ta nói, cái chết bao giờ cũng bắt đầu đến từ chân rồi mới dần dần chạy khắp người. Tôi sờ vào chân anh, áp vào má mình, mà thấy vẫn ấm. Trong sự hoảng hốt tột cùng, tôi nghe thấy người ta nói: Anh ấy đã đi rồi! Chết, là sao? Là không nói được à? Tôi cảm thấy đất trời quay cuồng, mình như lọt vào hố sâu đau đớn”.

Vì lời dặn của chồng, Lê Uyên đã quay trở lại với âm nhạc, vào dịp 100 ngày mất của anh. Cặp song ca Lê Uyên và Phương đã chính thức bị chia cắt bởi âm dương cách trở nhưng Lê Uyên đã gượng dậy với nỗi đau, hát nhạc Lê Uyên Phương với toàn bộ sự hồn nhiên như tinh thần của người sáng tác. Vào đầu năm 2015, Lê Uyên đã trở lại Việt Nam, thực hiện kế hoạch đi lưu diễn tại các trường đại học. Điểm diễn đầu tiên được thực hiện tại Đà Lạt, nơi 45 năm qua đã vắng bóng cặp đôi Lê Uyên và Phương. “Tôi muốn hát cho sinh viên nghe, như trước đây chúng tôi từng hát. Để mảnh đất Đà Lạt tự hào vì có nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên Phương, và cũng để chúng tôi tri ân khán giả”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

“Hãy ngồi xuống đây”

Khi tôi gặp Lê Uyên, cô không còn nhiều thời gian tại Việt Nam, sau đêm nhạc Lê Uyên - Phương diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TPHCM cách nay 1 năm. Lê Uyên cắt tóc ngắn, trẻ trung với highlight và sợi dây trang sức trên cổ. Chuyện của chúng tôi ta bà, lan man khắp các đề tài, rồi vẫn trở về với đề tài tình yêu muôn thuở. Tôi hỏi Lê Uyên, vì sao có thông tin Lê Uyên - Phương đã chia tay nhau sau khi định cư tại Mỹ, nữ nghệ sĩ kể rằng, năm 1985, bà bị đạn lạc găm trúng bụng, suýt chết. Trong 4 năm sau đó, Lê Uyên - Phương không xuất hiện trước công chúng, nên dư luận đồn rằng cặp đôi đã ly hôn. “Chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để đến được với nhau, làm sao mà rời nhau ra được! Chẳng giờ phút nào mà Lê Uyên và Phương thôi nghĩ tới nhau và nghĩ về nhau”, nữ ca sĩ cho biết.

Hơn 40 năm trước, giọng ca này hát về sự chia lìa, nhưng với tâm trạng hạnh phúc. Giờ đây, dù cô đơn, đôi lúc nghẹn lời trên sân khấu, nhưng tâm thế của Lê Uyên vẫn chuyển tải độ hồn nhiên một cách chân thành, như vẫn còn hình bóng Lê Uyên Phương kế bên. Và có những khoảnh khắc trên sân khấu, người nghệ sĩ này mới thấm rằng, sự xa cách với người mình yêu thương là điều có thực!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn