Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly: “Bước nhảy” từ Sao Mai đến ngôi Á quân Opera

12:13 | 18/12/2017;
Với ca sĩ Nguyễn Khánh Ly, cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch TPHCM 2017 là một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp ca hát. Không chỉ vì giải Nhì đạt được, mà còn bởi nó có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp lửa đam mê âm nhạc chuyên nghiệp cho cô
khanh-ly-3.JPG
Nguyễn Khánh Ly xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch TPHCM 2017

5 năm chờ đợi sân chơi chuyên nghiệp cho Opera

Giải Ba Sao mai 2011 Nguyễn Khánh Ly nói, cô chờ đợi một sân chơi quy mô lớn dành cho những giọng ca được đào tạo thanh nhạc bài bản từ 5 năm nay. Năm 2012, khi vừa tốt nghiệp đại học, được tin sắp diễn ra cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch tại Hà Nội, cô đã chuẩn bị tiết mục để dự thi. Tuy nhiên vì một số lý do, cuộc thi đã không được tổ chức và cô đành gác lại ý định của mình. Cô dùng chính những tác phẩm đó để dự thi cao học thanh nhạc, rồi học nghiên cứu sinh. Khi Nhạc viện TPHCM thông báo tổ chức cuộc thi opera với quy mô toàn quốc vào trung tuần tháng 12/2017, ngay lập tức cô đăng ký.

Nguyễn Khánh Ly cho biết, đã có cả chục năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, tham dự nhiều sân chơi ca hát nhưng cô không tránh khỏi hồi hộp khi đứng trên sân khấu cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch TPHCM. Thí sinh tham gia cuộc thi này hầu hết đã có tên tuổi, là nghệ sĩ ở các Nhà hát hay Thạc sĩ, giảng viên của các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. “Thực sự tôi không tự tin lắm. Opera là một thể loại khó, là đỉnh cao của nghề, đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật và phong cách biểu diễn cùng với nhiều yếu tố cộng hưởng khác”, nữ ca sĩ cho biết.

Bởi thế, Nguyễn Khánh Ly đã chuẩn bị rất kỹ càng. Cô miệt mài luyện thanh với cường độ cao suốt 3 tháng trước khi cuộc thi diễn ra, có ngày tập suốt cả 3 ca từ sáng đến đến tối. Hàng ngày cô phải tìm tòi, hoàn thiện giọng hát của mình ở những quãng âm vực thấp, chuyển âm vực cao, những nốt chạy, nốt phóng to, hát to, rồi hát nhỏ lại... Đó là những kỹ thuật rất khó, phải tập luyện liên tục mới có thể thực hiện được.

Dù phần lớn bài dự thi đã được Khánh Ly lên kế hoạch từ 5 năm trước và cũng đã rèn luyện nhiều trong suốt những năm tháng học cao học, nhưng đến vòng Chung kết, cô vẫn không khỏi áp lực. Đặc biệt, các thí sinh phải hát 1 bài bắt buộc theo chỉ định của Ban giám khảo. Riêng việc để thuộc được tác phẩm đã là chuyện không dễ dàng, vì phải hát bằng tiếng Đức, tiếng Ý. Áp lực tiếp theo là làm sao để xử lý bài tốt và phải hát để người nghe cảm thấy thích khi mà họ không hiểu nội dung bài hát.

khanh-ly-4.JPG
Nguyễn Khánh Ly trong Vòng Chung kết 

Giải thưởng là món quà quý để lại cho con

Nguyễn Khánh Ly bộc bạch, không giống như các cuộc thi hát khác, thường nhiều bon chen, cạnh tranh, các thí sinh tham gia sân chơi Opera này lại có cái nhìn đầy tôn trọng và ủng hộ với các bạn thi của mình. Có lẽ bởi là người trong cuộc, hơn ai hết họ hiểu được rằng chỉ những người thực sự có đam mê và khổ luyện, phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức mới có thể theo đuổi môn nghệ thuật đỉnh cao này. Và khi đến đây, họ không coi nhau là đối thủ mà như những người bạn cùng chia sẻ, cùng cố gắng vì nghệ thuật. “Đa phần thí sinh đều có giọng tốt và đều rất ý chí. Thấy các bạn lên hát, tôi như được tiếp thêm niềm hứng khởi cho dòng nhạc mình theo đuổi”,  Nguyễn Khánh Ly tâm sự.

Mặt khác, ở cuộc thi này, khả năng của ai như thế nào thì thể hiện ra luôn như thế ấy, không thể dùng chiêu trò hay bất cứ điều gì để che giấu, mập mờ được. Riêng với Nguyễn Khánh Ly, cô không đặt nặng vấn đề giải thưởng. Cô chỉ muốn có dịp được dồn năng lượng để hết mình với dòng nhạc thính phòng, để khẳng định rằng: Nếu mình đam mê, chăm chỉ thì mình sẽ có thành quả. Điều này khiến cô thoải mái hơn và thể hiện tốt hơn 3 ca khúc dự thi rất khó trong vòng Chung kết là Du bist de ruh (F.Schubert), Ah! Non credea mirati (V.Bellini) và Miền xa thẳm (Đức Trịnh) để giành giải Nhì. “Không áp lực về giải, nhưng được giải cao thì tôi rất hạnh phúc, vinh dự. Đó là tài sản quý mà tôi có thể để lại cho con cháu mình sau này, khiến chúng có thể tự hào về mẹ”, nữ ca sĩ thực lòng chia sẻ.

khanh-ly-1.JPG
Nguyễn Khánh Ly cháy hết mình trong một tác phẩm dự thi

Không muốn học trò “bán lúa non”

Trong giới ca sĩ, Nguyễn Khánh Ly có tiếng là một người chăm chỉ học hành. Sau khi giành giải Ba Sao mai 2011 và tốt nghiệp Đại học năm 2012, cô tiếp tục thi cao học rồi làm nghiên cứu sinh, trong khi một nách nuôi 2 con nhỏ. Đến chồng của nữ ca sĩ cũng phải kêu lên: “Sao em già rồi mà vẫn cứ bò ra học thế? Em không ngại à?”. Cô trả lời: “Em không ngại. Em chỉ sợ mình già mà dốt, còn già mà vẫn ham học thì càng đáng được trân trọng chứ”. Theo cô, Opera là nghệ thuật đỉnh cao, nếu không có kỹ thuật thì không thể hát được và nếu muốn theo nghề, không có cách nào khác là phải học không ngừng. Đặc biệt, với một giảng viên thanh nhạc như cô, việc học lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

“Tôi muốn học trò mình thấy rằng, nghệ thuật là không bao giờ có điểm dừng và dù ở bất cứ lứa tuổi nào, người ta cũng có thể gặt hái thành quả nếu có đam mê”, Khánh Ly nói. Như bản thân cô, dù đã có gia đình, con cái, công việc dạy học và biểu diễn rất bận rộn, nhưng một khi đã có đam mê và dành thời gian cho niềm đam mê ấy thì vẫn giành được thành công.

Thính phòng là dòng nhạc khó học, cũng không dễ dàng mang lại tiền bạc và danh tiếng. Điều này khiến không ít sinh viên thanh nhạc nản lòng, chọn con đường khác ít chông gai hơn. “Trước đây tôi cũng từ nghĩ vậy, rằng mình hát dòng này làm sao đi diễn kiếm tiền. Nhưng sau này tôi mới nhận ra mình đã quá sai lầm, để rồi mất công quay lại từ đầu”, Khánh Ly nói.

Quan điểm của Khánh Ly dường như trái ngược với câu chuyện ầm ĩ “chỉ cần cầm mic lên là đã thành ca sĩ” của Chi Pu trong thời gian qua. Khánh Ly nói, học thuật là điều nhất định phải có đối với sinh viên theo học âm nhạc chuyên nghiệp. Từ bài học của chính mình, cô muốn truyền học trò một nền tảng vững chắc. “Không thể nóng vội hái lúa non được. Xây nhà phải từ móng và có móng chắc thì mới dựng nên được nhà to, đẹp. Đầu tiên là phải có nền tảng học thuật. Có thể việc mưu sinh sẽ khiến bạn chậm hơn người khác một thời gian, nhưng khi đã có nền tảng vững chắc thì bạn có thể hát những dòng nhạc khác rất dễ dàng”, Khánh Ly chia sẻ cô thường dặn học trò của mình như thế.

khanh-ly-2.JPG
Nguyễn Khánh Ly cùng các thí sinh đoạt giải hạnh phúc với thành quả mình đạt được

Được tiếp lửa cho tình yêu thính phòng

Nguyễn Khánh Ly cho biết thêm, trong cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch TPHCM 2017, cô ấn tượng nhất với Phạm Khánh Ngọc. Khánh Ngọc từng tham dự Sao Mai 2011 dòng Thính phòng với cô, nhưng không lọt vào vòng trong. Tuy nhiên, sau nhiều năm miệt mài làm nghề, Khánh Ngọc đã tiến bộ vượt trội, giành giải Nhất. “Nghe Khánh Ngọc hát, tôi thấy mình đã lãng phí rất nhiều thời gian. Nếu những năm qua, mình học nhiều hơn, đam mê hơn, không bị phân tán bởi những điều khác thì có lẽ bây giờ mình cũng hát được như bạn ấy”.

Dù vậy, Nguyễn Khánh Ly nói, cô cảm thấy rất vinh dự, tự hào với giải Nhì mà mình đã nhận được. Đây là giải thưởng khiến cô hạnh phúc, hài lòng nhất từ trước tới nay, bởi nó là kết quả từ biết bao nỗ lực vượt khó của cô trong quãng đường nghệ thuật của mình. Từ cuộc thi này, tình yêu dành cho âm nhạc thính phòng trong cô lại càng được thắp lửa hơn bao giờ hết. “Tôi muốn được tham gia những chương trình thính phòng – nhạc kịch lớn để vừa làm nghề, vừa truyền lửa cho học trò. Cuộc đời nghệ thuật của tôi còn rất dài và tôi xác định mình còn phải học rất nhiều”, Nguyễn Khánh Ly khẳng định.

Clip ca khúc "Miền xa thẳm" Khánh Ly dự thi ở Vòng Chung kết:



nsnd-trung-kien.JPG
GS.NSND Trung Kiên
GS.NSND Trung Kiên – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi: Là thầy giáo hướng dẫn cao học cho Khánh Ly, tôi nhìn thấy cô ấy có một niềm say mê rất lớn với thính phòng. Chính tôi là người chứng kiến cảnh chồng Khánh Ly… càu nhàu vì vợ mải mê luyện thanh. Cô ấy rất chịu khó học và tiến bộ rất rõ. Giành giải thưởng ở cuộc thi chuyên nghiệp này không phải là điều dễ và Khánh Ly rất xứng đáng với giải Nhì đã nhận được”.

khanh-ly-va-nghe-si-phuong-nga.JPG
NSƯT Phương Nga và Nguyễn Khánh Ly
NSƯT Phương Nga – Phó trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo: Từ giải Sao Mai 2011 tới nay, Khánh Ly có một sự nỗ lực rất lớn để nâng cao giọng hát. Cô ấy đã rèn luyện, học hỏi rất nhiều. Việc chịu khó học thầy, học bạn để vươn lên như vậy không phải ai cũng làm được và tôi tin cô ấy sẽ còn thành công hơn nữa ở trên con đường biểu diễn và giảng dạy của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn