Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly trăn trở về hình ảnh những đứa trẻ vùng cao

12:04 | 18/03/2018;
“Nhìn lại mình, tôi thấy nhiều khi quá lãng phí. Tôi tự nhủ, mình có thể bớt ăn tiêu, mua sắm cho bản thân để làm từ thiện” - ca sĩ Nguyễn Khánh Ly chia sẻ sau chuyến đi biểu diễn và thiện nguyện ở vùng cao Lai Châu.
khanh-ly-hat-tren-san-khau.JPG
Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly trong chương trình "Linh thiêng trời Việt Nam" tại biên giới Dào San

Hát tri ân các liệt sĩ nơi biên giới Dào San

“Tôi luôn đầy cảm xúc khi hát Miền xa thẳm, nhưng chưa bao giờ thấy xúc động, thiêng liêng như khi hát trong chương trình Linh thiêng trời Việt Nam, ngay bên cạnh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Dào San vừa được khánh thành”, Sao Mai Nguyễn Khánh Ly nói.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Dào San ở sát biên giới Việt Trung (thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu) là công trình văn hóa tâm linh tôn vinh những chiến sĩ đã ngã xuống vào tháng 3/1979. Công trình này xây dựng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, được khánh thành vào đầu tháng 3/2018.

Các nghệ sĩ là giảng viên, sinh viên khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tình nguyện mang tiếng hát lời ca của mình trong dịp khánh thành công trình bằng chương trình nghệ thuật Linh thiêng trời Việt Nam.

Trong đêm nhạc tri ân này, ca sĩ Nguyễn Khánh Ly đã cùng NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh. Đây là ca khúc đã gắn với tên tuổi Khánh Ly từ ngày cô dự thi Sao Mai 2011. Đặc biệt, Khánh Ly từng ghi dấu ấn khi song ca với NSND Quang Thọ ca khúc này trong album đầu tay Miền xa thẳm của cô. Sự kết hợp giữa giọng baritone (nam trầm) của NSND Quang Thọ với giọng soprano (nữ cao) của Khánh Ly đã mang đến cho người nghe ấn tượng đặc biệt.

nsnd-quang-tho-va-khanh-ly.JPGCa sĩ Nguyễn Khánh Ly song ca cùng NSND Quang Thọ bài "Miền xa thẳm" 

Từ đó tới nay, Khánh Ly đã rất nhiều lần thể hiện Miền xa thẳm trên các sân khấu lớn nhỏ, nhưng chưa lần nào cảm xúc trong cô lại mạnh như khi hát bên Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Dào San. Miền xa thẳm là bài hát viết về tình yêu và chiến tranh, dành cho những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc và nó vô cùng hợp với không khí của một sự kiện nghệ thuật thiêng liêng được tổ chức bên cạnh công trình tưởng niệm các chiến sĩ nơi biên giới. “Khi chưa cất tiếng hát, đứng trong không gian ấy, tôi đã bật khóc vì xúc động”, Khánh Ly chia sẻ. Khi cô cùng NSND Quang Thọ hát xong, mọi người kéo lại chúc mừng vì đã thể hiện quá thành công ca khúc, khiến ai nghe xong cũng cảm thấy “nổi hết da gà”.

Ngoài bài hát song ca với NSND Quang Thọ, Khánh Ly còn solo bài Đường tôi đi dài theo đất nước. Khác với Miền xa thắm, bài hát về các nữ thanh niên xung phong này có giai điệu cũng như ca từ vui tươi, nhí nhảnh, mang đến một cung bậc cảm xúc khác cho khán giả của chương trình.

Nguyễn Khánh Ly chia sẻ, tham gia chương trình Linh thiêng trời Việt Nam là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghệ thuật của cô. Không chỉ bởi cô được hát trong một sự kiện tâm linh rất ý nghĩa, mà còn vì khán giả quá đỗi đặc biệt. Ngoài các lãnh đạo tỉnh Lai Châu, đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các chiến sĩ đồn biên phòng Dào San, đến xem nghệ sĩ biểu diễn còn là những người dân quanh vùng. “Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ dân tộc chân trần, phong phanh áo mỏng trong đêm lạnh 15 độ, ngồi bệt giữa đất, mắt say sưa hướng về sân khấu”, Khánh Ly kể lại. 

ly-8.JPG

Ám ảnh từ chuyến thiện nguyện đến Phăng Sô Lin

Sau đêm diễn tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Dào San, Khánh Ly cùng các nghệ sĩ lại về thành phố Lai Châu trong đêm để 5 giờ sáng hôm sau lên đường thực hiện chuyến thiện nguyện tại trường tiểu học và mầm non xã Phăng Sô Lin, Sìn Hồ.

Khi biết đến chương trình thiện nguyện này, Khánh Ly đã ủng hộ tiền mặt và “rủ rê” chồng tham gia đoàn, đến tận nơi trao quà cho các em nhỏ khó khăn nơi đây. Vốn rất bận rộn, nhưng khi biết vợ tham gia chuyến đi Lai Châu vừa biểu diễn trong đêm nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sĩ, vừa đi phát quà từ thiện, ông xã của Khánh Ly lập tức nhận lời “hộ tống” vợ.

phat-qua.jpg
Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly phát quà tại Phăng Sô Lin  

Điểm trường mà đoàn thiện nguyện trao quà có địa hình xa xôi hẻo lánh. Xe tải chở quần áo, chăn màn, lương thực… phải dừng cách đó khoảng 8 cây số. Ông xã Khánh Ly mượn được chiếc xe máy, cứ thế chở vợ đi trên con đường cheo leo vắt qua các vực núi, chỉ 1 xe máy đi lọt. Ngồi sau xe chồng mà nữ ca sĩ muốn… rụng tim vì sợ.

“Nhưng khi tới nơi, chứng kiến cuộc sống quá thiếu thốn, vất vả của giáo viên và các em nhỏ vùng cao, tôi mới thấy sự khó khăn trên chặng đường mình vừa trải qua chẳng là gì. Nơi đó chưa có điện, người dân sống quá khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc… Thấy đoàn thiện nguyện đến phát quà, những đứa trẻ lem luốc cười sung sướng với những chiếc kẹo bình thường, nhìn mà rớt nước mắt”, Khánh Ly ngậm ngùi. Ngoài phần đóng góp chung với đoàn, Khánh Ly còn mua thêm bánh kẹo, lương thực mang theo và lúc này đây, cô thấy nó thật cần thiết. Cô nói, nếu hình dung được trước trẻ em nơi đây thiếu thốn đến mức này, cô đã chuẩn bị nhiều hơn…

ly-1.JPG
Khánh Ly chia sẻ, việc trực tiếp đi thiện nguyện giúp cô cảm nhận được hết ý nghĩa của sự chia sẻ

Trước khi vào điểm trường Phăng Sô Lin, dù đường đi khó khăn nhưng vợ chồng Khánh Ly ít nhiều mang tâm trạng háo hức khi sắp đặt chân tới một vùng đất mới. Nhưng trên chặng đường quay trở về, hai vợ chồng chở nhau trong im lặng, gần như không nói câu nào. Trong lòng mỗi người đều trĩu nặng trăn trở, khi tận mắt chứng kiến những mảnh đời khó khăn…

Giải Ba Sao Mai 2011 dòng thính phòng cũng thừa nhận, nếu không đi đến tận nơi để mắt thấy tai nghe, chắc hẳn cô sẽ không cảm nhận được hết ý nghĩa của việc chia sẻ. Hàng năm Khánh Ly vẫn tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện, nhưng ít khi nào cô thấy ám ảnh đến thế. Nhìn lại mình và những người xung quanh, cô thấy nhiều khi mình quá lãng phí. “Trên đường về, tôi tự nhủ, mình có thể bớt ăn tiêu, mua sắm cho bản thân để làm từ thiện. Tôi nghĩ mỗi năm mình có thể dành ra một phần kinh phí để thực hiện vài chuyến thiện nguyện như thế này, trực tiếp đi đến tận nơi, trao quà cho những mảnh đời khó khăn”, nữ ca sĩ nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn