Ca sĩ Đinh Trang: Liệu Bolero có giúp ca sĩ sáng tạo?
Ca sĩ Đinh Trang – giải Nhì Sao Mai 2013 dòng nhạc Thính phòng - hóm hỉnh đặt Bolero và “anh Tùng Dương” là hai trường phái ca hát khác nhau. Với cô, ca khúc ở trường phái nào mà nghe... lọt tai thì tiếp nhận, đơn giản là nghe cho vui cho nên cô vẫn nghe các bài hát khác ngoài dòng nhạc mình theo đuổi, miễn nó đem lại cảm xúc và giúp tinh thần mình tốt hơn trong tâm trạng hiện tại là được. “Với nhiều khán giả Việt, việc nghe Bolero giúp họ có được nhiều cảm xúc hoài niệm, đơn giản, dễ nghe, dễ hóa thân vào tác phẩm nên họ thích bolero cũng là một lẽ thường tình”, Đinh Trang nói.
Trong khi đó, theo nữ ca sĩ, nếu Bolero là thể loại đem đến sự hoài niệm thì ca khúc nhạc mới có tác dụng giúp chúng ta tiếp cận gần với âm nhạc phương Tây hơn. Hay như chúng ta thường cho trẻ em nghe nhạc cổ điển của những tên tuổi như Mozart để tăng thêm trí thông minh, sáng tạo cho bé... “Có thể nói, mỗi thể loại âm nhạc đều có một vai trò riêng, một cảm xúc riêng.
Tuy nhiên, có hai câu hỏi đặt ra: Nếu xét về tiến trình phát triển nghệ thuật ca hát thì liệu Bolero có đóng vai trò giúp ca sĩ có thể sáng tạo không? Và thị hiếu người nghe có cảm thấy ngày càng được phát triển thẩm mỹ âm nhạc của mình không?”, Đinh Trang nói.
Nữ ca sĩ chuyên dòng nhạc thính phòng cũng chia sẻ thêm: Vì cô không biết hát Bolero nên chưa tìm hiểu sâu về dòng nhạc này. “Tôi chỉ dám tự tin khẳng định rằng khi nghe giao hưởng hay những ca khúc nghệ thuật, bản thân tôi đã học được rất nhiều điều mà âm nhạc mang lại. Đó là về trí tưởng tượng, về tình yêu thương, về triết lý cuộc sống và cả sự nhân văn nữa... Chỉ mong rằng mọi người vẫn cứ yêu Bolero để có thể sống hạnh phúc vì hoài niệm với quá khứ, yêu anh Tùng Dương để được đột phá, sáng tạo trong ca khúc của anh nhưng đồng thời nghe thêm nhiều thể loại âm nhạc khác nữa để có thể nhận định đúng đắn hơn, từ đó hướng tới một nền âm nhạc Việt Nam phát triển ngày càng văn minh hơn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Bolero sẽ còn tiếp nối mạch nguồn ở nhiều thế hệ
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng Bolero vô cùng gần gũi và hữu ích đối với một bộ phận đông đảo công chúng nghe nhạc Việt Nam. Chính vì thế, cần khẳng định Bolero phải có giá trị riêng của nó và chính nhờ những giá trị ấy mà từ khi ra đời đến nay hơn nửa thế kỷ, dẫu cũng có không ít những thăng trầm, nhưng chưa bao giờ dòng nhạc này ngưng chảy trong tâm hồn của một bộ phận đông đảo khán giả.
Theo nhạc sĩ Quang Long, người Việt chúng ta ưa những bản nhạc tình buồn, sự chia ly, sự khổ đau, những sẻ chia của thân phận thiệt thòi, sự thất vọng hoặc cố gắng vươn dậy sau những mất mát là có căn nguyên của nó. Một phần xuất phát từ yếu tố lịch sử dân tộc. Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển dân tộc ta luôn gắn liền với các cuộc đấu tranh để giữ từng tấc đất biên cương. Đồng nghĩa với điều đó là những cuộc chia tay đẫm nước mắt của những tình yêu đôi lứa, của tình mẫu tử, phụ tử… đằng đẵng tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ kia. Tính chất trữ tình buồn nói về sự chia ly có thể nhìn thấy rất rõ trong nhiều bài hát đã có từ trong quá khứ và hiện vẫn còn tồn tại.
“Không thể phủ nhận một dòng nhạc dù gần như chỉ với một màu tiết tấu, một màu tính chất và một màu nội dung, nhưng lại có sự gắn bó đối với đời sống và tinh thần cuả người Việt. Cho nên, nhạc bolero sẽ còn tồn tại dài dài và còn tiếp nối mạch nguồn trong những sáng tác mới của các thế hệ nối tiếp”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long khẳng định.
Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ, nếu ai đó cho anh cái quyền được chọn một dòng nhạc để đại diện cho nền âm nhạc đại chúng của đất nước này nhằm giới thiệu cho bè bạn quốc tế, anh sẽ không chọn Bolero. Một khi ngôn ngữ không còn là sức mạnh của âm nhạc, khi chỉ còn là sự cảm nhận của những âm thanh, thì Bolero sẽ có phần đơn điệu và ít sự sáng tạo. “Thật may, cái quyền ấy tôi sẽ không bao giờ có được, nếu không việc không chọn để chiều lòng số đông, nguy cơ rất cao, tôi cũng rơi vào tâm điểm của một cuộc “tổng công kích”, giống như Tùng Dương hiện nay”, Nguyễn Quang Long nói.