Ca sĩ Phạm Phương Thảo: ‘Tôi điên, hâm, thần kinh… khó có đối thủ’

16:30 | 05/09/2018;
‘Về độ hâm, độ thần kinh, độ điên… thì tôi tự nhận thấy mình… khó có đối thủ. Nhưng tôi tự hào về độ điên của mình’ – ca sĩ Phạm Phương Thảo nói trong buổi ra mắt tập thơ ‘Đi hết xuân thì’ do chính cô sáng tác.

Ca sĩ Phạm Phương Thảo vừa khiến mọi người ngạc nhiên khi ra mắt tập thơ Đi hết xuân thì gồm 60 bài thơ. Từ trước tới nay, công chúng biết đến Phạm Phương Thảo chủ yếu qua giọng hát và qua một số ca khúc do chính cô sáng tác, chỉ những ai gần gũi, quan tâm đến cô mới biết rằng cô còn làm thơ. Thỉnh thoảng, nữ ca sĩ cũng đưa thơ của mình lên trang cá nhân và nhận được ủng hộ, khích lệ của nhiều người hâm mộ cũng như giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc giọng ca xứ Nghệ xuất hiện trong vai trò là tác giả của tập thơ do NXB Hội Nhà văn phát hành vẫn khiến mọi người bất ngờ và thích thú.

1.jpg
Tập thơ "Đi hết xuân thì" của ca sĩ Phạm Phương Thảo

 

Chia sẻ về tên gọi Đi hết xuân thì, Phạm Phương Thảo cho biết, ban đầu cô định lấy tên Gái Nghệ. “Đó là tên bài hát do tôi sáng tác, và cũng là thương hiệu riêng của tôi. Nhưng gần đến ngày đi in tôi suy nghĩ lại và muốn thoát ra khỏi cái riêng tư của mình, muốn kể câu chuyện không chỉ của mình mà là của mọi người”, Phạm Phương Thảo nói.

Trong giới ca sĩ, Phạm Phương Thảo có tiếng là người thông minh và có phần thẳng tính thái quá. Khi được hỏi, liệu có thể “đo” được… chỉ số IQ của Phạm Phương Thảo trong tập thơ này, nữ ca sĩ nói: “Tôi không biết IQ của mình có lớn không, nhưng về độ hâm, độ thần kinh, độ điên thì tôi tự nhận mình khó có đối thủ. Người thân của tôi hiểu điều đấy nên thường nhường tôi. Tôi nghĩ mình phải được ông trời ưu ái lắm mới được cho điên như thế. Độ điên ấy khiến mình mệt, huyết áp và nhịp tim tăng, nhưng nó cũng cho mình cảm xúc để thăng hoa. Thực lòng là tôi khá tự hào về độ điên của mình”.

img_4603-min.jpg
Ca sĩ Phạm Phương Thảo với tập thơ đầu tay của mình

 

Phần… "điên điên" của Phạm Phương Thảo được thể hiện khá rõ trong tập thơ của cô. Đặc biệt là ở trong bài thơ Đi hết xuân thì được cô chọn làm tựa đề cho tập thơ của mình. Câu chuyện trong bài thơ dài 99 câu này được xem như câu chuyện khá đầy đủ về cuộc đời, tình duyên của Phạm Phương Thảo - cô kể từ những năm 90, khi đấy Thảo mới 8 tuổi mà cô đã có suy nghĩ không lấy chồng nhưng phải có 4 người con.

Đi hết xuân thì không phải đã đi hết tuổi xuân mà nghĩa là hãy đi cho hết tuổi xuân. Tôi nghĩ dù đau khổ hay hạnh phúc thì vẫn phải đi hết chứ. Phạm Phương Thảo vẫn còn rực lắm. Đến 80 vẫn rực”, nữ ca sĩ cho biết.

Hỏi Phạm Phương Thảo, cô ra mắt tập thơ là bởi muốn đến với văn chương nghiêm túc hay chỉ là một kênh để giãi bày tâm sự, nữ ca sĩ chia sẻ: Năm 16 tuổi cô viết bài thơ Quê nhớ vì nhớ nhà, sau đó cô tiếp tục làm thơ, nhưng chắc chắn cô không muốn bước vào thế giới văn chương vì những gì mình làm được chưa chắc đã tốt.

“Tôi nghĩ, làm ca sĩ biểu diễn trên sân khấu là những phút giây thăng hoa để phục vụ khán giả còn bước vào những trang thơ mới là cảm xúc thật nhất. Đó là những câu chuyện thật với mong muốn được chia sẻ giãi bày với mọi người một cách chân thật, đời nhất của Phạm Phương Thảo sau ánh đèn sân khấu. Tôi là người dễ có cảm xúc, và tôi không giấu giếm được cảm xúc của mình trong thơ vì thơ là thật nhất, là được sống đúng với chính mình”, nữ ca sĩ nói.

rt-ng-bn-b-ngh-s-n-chc-mng-ppt-min.jpg
Người thân, đồng nghiệp đến chúc mừng Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ 

 

Có một điều thú vị là trong khi các nhạc sĩ phổ thơ thành ca khúc thì Phạm Phương Thảo ngược lại, có nhiều bài hát sáng tác xong cô lại chuyển thành thơ. Chẳng hạn như bài Mơ duyên, vốn là ca khúc do một ca sĩ trẻ đặt hàng Phạm Phương Thảo sáng tác nhưng khi viết xong, cô thấy ca từ rất thơ nên sửa lại thành một bài thơ. Không chỉ Mơ duyên, nhiều bài thơ khác của cô cũng có “xuất xứ” từ nhạc như thế, chẳng hạn Gái Nghệ, Dọc ngang đò tình, Phiêu diêu…

 

Dịu dàng ngay cả khi "chửi"
nh-th-nguyn-trng-to-min.jpg
 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Tôi thường đọc thơ và thấy có những người phụ nữ làm thơ rất đàn ông, tình cảm đàn ông, suy nghĩ như đàn ông thật. Riêng Phạm Phương Thảo làm thơ rất nữ. Thơ Thảo có chất bi trí của người phụ nữ, một người yêu, một người nổi dậy trong tình yêu. Chính điều đấy làm cho thơ của Thảo có sự lay động, gần gũi của người phụ nữ. Điều đấy cũng làm cho tập thơ trở nên dịu dàng. Khi tôi đọc xong thấy sự dịu dàng, dịu dàng cả khi “chửi”. Đó là một điều đáng trân trọng”.

 

Tập thơ Đi hết xuân thì là dự án thứ 2 trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ Phạm Phương Thảo, sau MV Chàng vinh quy. Tập thơ được chia làm 3 phần: Mơ duyên gồm những bài thơ về tình yêu với lời thơ nhẹ nhàng, dễ hiểu và có phần mơ mộng, Hoa trôi tái hiện hình ảnh người đàn bà lênh đênh như hoa trôi bèo dạt, Lời mẹ cha là những tâm tư, tình cảm về quê hương, cha mẹ và những vĩ nhân… Bìa và hình ảnh Phạm Phương Thảo trong tập thơ do họa sĩ trẻ Trần Thiện Quang vẽ.

send-7a.jpg
Tranh vẽ Phạm Phương Thảo do họa sĩ Trần Thiện Quang thực hiện 

 

Nếu trong âm nhạc suốt chặng đường 20 năm, khán giả luôn thấy một Phương Thảo đằm thắm, dịu dàng, ngọt ngào sâu lắng, khắc khoải cho đến tận “Chàng vinh quy” cô mới bộc lộ sự đáo để, cá tính thì trong Thơ, độc giả không khó để hiểu trọn vẹn về người đàn bà đa tình, truân chuyên nhưng khí chất đầy kiêu hãnh và sâu nặng.

 

Bài thơ 'Gái Nghệ' của Phạm Phương Thảo:

Dòng Lam ơi hỡi dòng Lam

Gom gom từng giọt mà làm nên sông

Chắt chiu ngàn suối xuôi dòng

Nên thời nước sắc nên trông rộng dài

Gột buồn gái Nghệ hôm mai

Tắm niềm vui cũng trôi dài bão dông

Chút đời bèo bọt long đong

Em tôi rách yếm người không thấy buồn

Gió luồn yếm chẳng giữ khuôn

Hỏi sông Lam có muôn đời ru em

Thả trôi câu Ví đêm đêm

Thả vào câu Giặm cho thêm đậm đà

Niềm vui lại hóa câu ca

Thăng hoa xúc cảm khi ta muộn phiền

Nỗi buồn cũng được lên tiên

Vì câu thương giận đi liền với nhau

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn