Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Tôi chỉ đặt một chân vào showbiz”

10:41 | 04/02/2018;
2017 là một năm khá thành công của Phạm Thu Hà, khi đĩa than “Đường em đi” gồm 8 tuyệt phẩm của cố nhạc sĩ Phạm Duy ra mắt được giới chuyên môn lẫn công chúng yêu nhạc hết sức bất ngờ.
pham-thu-ha-1.JPG

Luôn giữ bình an

Nhạc như là người, ai đã từng nói như thế. Câu này hẳn đúng khi nói về Phạm Thu Hà, cái tên mà khán giả vốn yêu thích bởi những bản nhạc bán cổ điển, trau chuốt từ giọng ca đến cách thể hiện. Nhưng sự tĩnh tại mà nữ ca sĩ có được lại xuất phát từ chính những “mâu thuẫn” từ sâu bên trong suy nghĩ của cô.

Phạm Thu Hà thừa nhận, cô là người mâu thuẫn, từ trong suy nghĩ. Trong cô luôn có sự “chiến đấu” ngầm. Vì thế cô luôn cẩn trọng trong lời nói và luôn từ chối bình luận về người khác. Cô cũng hạn chế thể hiện sự bực bội ra bên ngoài.

Dù Phạm Thu Hà của hiện tại đã ít xao động hơn, đủ tỉnh táo để phân định đúng sai nhưng bên trong cô vẫn là một con người mềm yếu và dễ xúc động đến khó tin. Thậm chí gặp một phận người bất hạnh cô cũng đau đáu không yên nếu chưa tìm hiểu và giúp đỡ được họ.

Đó là lý do mà bao nhiêu tiền đi hát kiếm được từ thời sinh viên trường nhạc, Phạm Thu Hà đều âm thầm làm từ thiện. Lúc đó, cô nghĩ đơn giản, cuộc sống của mình có bố mẹ bao bọc, nhà cửa cũng có rồi. Trong khi bạn bè đi hát tiệc để mưu sinh, còn mình không phải chịu bất cứ áp lực kinh tế nào, vậy thì mình nên dành những gì mình may mắn có được cho những người bất hạnh hơn.

pham-thu-ha-3.JPG 

Phạm Thu Hà tin vào Đức Phật, tin vào bàn tay của những người tri âm, tri kỷ che chở cho mình. Chính vì thế, mỗi lúc cảm thấy chống chếnh trước cuộc đời, nữ ca sĩ đều cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.

Cô tập trung toàn bộ sức lực và tâm trí vào âm nhạc, và chưa từng nghĩ đến chuyện tiền bạc. Cho đến giờ này, làm bao nhiêu cô chỉ chăm chút cho nghệ thuật, cho công việc. Chuyện tích cóp chưa bao giờ cô nghĩ đến. “Nếu như tôi tiết kiệm, tôi chỉ chăm chăm nghĩ cho mình thì chắc chắn đã có một Phạm Thu Hà rất khác”, giọng ca Đường em đi bộc bạch.

Ngay cả con đường âm nhạc, Phạm Thu Hà cũng chọn con đường tĩnh, như cách cô vẫn ví - “chỉ đặt một chân vào showbiz”. Đó là cách cô giữ lại sự bình an cho mình khi tham gia vào thế giới nghệ thuật - giải trí vốn lắm bon chen và không ít thị phi.

pham-thu-ha-6.JPG

Tiếng hát cất lên từ trái tim

“Nhiều khi mình lành, mình hiền, mình nhẹ thì tất cả mọi người cũng sẽ nhẹ với mình, tôi nghĩ vậy”, Phạm Thu Hà nói.

Đây cũng là điều cô muốn chia sẻ với nhiều bạn trẻ muốn đi theo con đường cổ điển khi được hỏi. “Người hát cổ điển phải có sự đĩnh đạc và từng trải, kiên định và có nền tảng văn hóa. Nếu không có nền tảng tốt thì sẽ khó đứng vững, khó có cả sự đĩnh đạc trên sân khấu, đó không phải là diễn, mà là sự tự nhiên vốn có”, cô chia sẻ. 

Phạm Thu Hà cũng nói thêm, ngoài việc chịu khó học hỏi, người trẻ hát cổ điển phải thật tâm, không toan tính. Bởi vì trong nghệ thuật rất nhiều người toan tính và nghĩ mình sẽ thành công nhưng cũng chỉ được vài năm là dừng lại, chính là bởi trong tâm có sự toan tính ấy.

Ngoài âm nhạc bán cổ điển, Phạm Thu Hà nhiều lần bén duyên với các ca khúc cách mạng trong chương trình Giai điệu tự hào và các chương trình lớn của đất nước. “Tôi nghĩ nhạc cách mạng cũng là sở trường của mình. Vì khi hát các ca khúc này, tôi thấy yêu nước lắm. Thấy tiếng hát của mình có lửa hơn, rạo rực hơn khi hát về những người cha, người mẹ, người anh của một thời kỳ gian khó mà kiên cường…”, “Họa mi bán cổ điển” nói đầy hào hứng.

Theo đó, trong số những ca khúc như Chào anh giải phóng quân mừng mùa xuân đại thắng, Tiếng đàn Ta lư, Tự nguyện, Miền xa thẳm..., ca khúc gắn với Phạm Thu Hà nhiều kỷ niệm nhất là Biết ơn chị Võ Thị Sáu, một nữ anh hùng mà cô luôn kính trọng, trân quý.

pham-thu-ha-4.JPG 

“Khi Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Cầu truyền hình về ngày 27/7 ở Địa đạo Củ Chi thì vô tình tôi được mời hát ca khúc này. Khi đó trời đổ mưa, tôi mặc áo mưa, một bên là các lãnh đạo, một bên là nhân dân. Giữa khung cảnh ấm áp, gần gũi và linh thiêng đó, tôi vừa hát vừa khóc, cảm giác ấy không phải nghệ sĩ nào cũng có được.

Tôi nghĩ việc hiểu kỹ các tác phẩm, các nhân vật để đồng cảm với các nhạc sĩ và tiếng hát thực sự cất lên từ trái tim là điều rất cần thiết với người nghệ sĩ”, Phạm Thu Hà bộc bạch.  Đó là lý do mà với mỗi ca khúc, nữ ca sĩ thường dành nhiều thời gian để được nghe, được biết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

“Còn nhớ khi hát Đường chiều lá rụng trong đĩa than Đường em đi, sau khi nghe nhạc sĩ Duy Cường (con trai cố nhạc sĩ Phạm Duy) kể về hoàn cảnh ca khúc, tôi từng sởn da gà khi mường tượng ra sự tang tóc, cảnh chia lìa âm dương buồn thảm của những người yêu nhau mà chẳng thể gần nhau. Hay những ca khúc như Chiều về trên sông, Còn gì nữa đâu…, khi hát tôi cũng được khai sáng rất nhiều điều về bản thân mình. Nếu không có những cảm xúc như thế, không thể có một Đường em đi- mà tôi ví như “chạm tới đỉnh núi” được, Phạm Thu Hà nói.

pham-thu-ha-2.JPG 

Tình yêu với âm nhạc bền bỉ, kiên định và quyết liệt là vậy. Trong tình yêu đôi lứa, Phạm Thu Hà không coi đó là những cảm xúc nhất thời, mà là tri kỷ. Cô nói, tình yêu chỉ có thể là hai nỗi cô đơn xích lại gần nhau.

“Có thể mai sau, tôi và anh ấy không còn những cảm xúc yêu đương nữa, nhưng tình tri kỷ thì còn mãi. Đó là người tôi tôn thờ. Người ấy dạy tôi về cách sống, về chuyện người, chuyện đời… Chúng tôi là tri kỷ của nhau. Đối với tôi, thế là đủ”, Phạm Thu Hà trải lòng.

Nghe Phạm Thu Hà thể hiện ca khúc "Đường em đi":

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn