Nhờ vậy, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, lầy lội, gồ ghề trên địa bàn xã giờ đây được bê tông hóa, nhựa hóa, mang lại vẻ khang trang, sạch đẹp, tạo yếu tố cơ bản cho quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi quanh một vòng xóm Đa Lộc rộng rãi thoáng mát, ông Trịnh Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Nam Kim không giấu nổi niềm vui: "Từ khi có chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, người dân vô cùng phấn khởi. Bằng quyết tâm của lãnh đạo, Đảng bộ trong xã ngày ngày tuyên truyền vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM cho chính cuộc sống của mình thì điều đầu tiên phải nói đến là đất. Bởi chỉ có đất mới có thể mở rộng đường, làm kênh mương, các mô hình trang trại..."
Cách đây chưa lâu, con đường vào xóm Đa Lộc, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Đường chỉ rộng chưa đầy 3m, nếu một chiếc ô-tô đi vào, các xe máy phải lùi lại... Chỉ một cơn mưa nhỏ, đường đã ngập ứ nước và rác. Là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, những năm trước đây, nhiều tuyến đường trong xã bị xuống cấp, mặt đường hẹp, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa cho nhân dân, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Nam Kim đã đề ra chủ trương mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong xã. Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển giao thông đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Sau nhiều lần thảo luận, lấy ý kiến, xã quyết định đưa ra nội dung "Hiến đất tự nguyện". Đầu tiên là vận động các cán bộ, Đảng viên trong xã tham gia hiến đất. Sau đó mới đưa nội dung này ra thảo luận cùng nhân dân. Điều đáng ngạc nhiên, ngay ở buổi thảo luận đầu tiên đã được toàn bộ nhân dân ủng hộ.
Là một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng khi có chủ trương của xã Nam Kim mở con đường gần 2km trên địa bàn, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Long và bà Đặng Thị Liệu trú tại xóm Đa Lộc đã tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất ở của gia đình mình để làm đường. Gia đình bà còn tự tháo dỡ một số công trình để công trình thi công đúng tiến độ. Bà Đặng Thị Liệu cho biết: "Khi có chủ trương của xã về việc mở rộng đường xây dựng NTM, vợ chồng tôi đã bàn bạc với nhau tự nguyện hiến đất để cho con đường được xây dựng thuận lợi và rộng rãi hơn. Trước hết là phục vụ bản thân gia đình, sau là để việc đi lại của thôn làng được dễ dàng và thoải mái hơn. Cùng với gia đình tôi thì hàng chục hộ dân sống dọc tuyến này, nhà ít nhà nhiều, đều tự nguyện hiến đất để mở đường".
Ông Nguyễn Thanh Long cũng vui vẻ cho biết: "Việc tự nguyện hiến đất làm đường được bà con chúng tôi nhất trí hưởng ứng và ủng hộ. Không kể nhà giàu hay hộ nghèo, họ đều tự nguyện hiến đất khi xã hội cần".
Cũng tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường, bà Nguyễn Thị Minh Vần (SN 1945, trú tại xóm Đa Lộc) chia sẻ: "Với người nông dân thì đất đai là tài sản quý giá nhất. Tuy nhiên, làm đường giao thông chính là để phục vụ gia đình mình và người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu ai cũng vì lợi ích riêng thì tuyến đường khó được hoàn thành".
Theo bà Vần, tuyến đường này trước kia chật hẹp, đặc biệt vào mùa mưa lầy lội. Đường sá đi lại khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân nơi đây. Nhưng nay nhờ sự chung sức, đồng lòng, Nhà nước và nhân dân cùng làm, tuyến đường đã được mở rộng khang trang, to đẹp. Không chỉ ở xóm Đa Lộc, mà các xóm như Khe Lau, Eo Vòng, Hủng Mồ, Yên Vĩnh, Mảnh San, Khe nước, An Mã… phong trào hiến đất làm đường cũng được nhân dân hưởng ứng. Xây dựng NTM không phải là việc của một người, của cá nhân nào. Muốn xã hội ngày càng phát triển thì cần có sự góp sức của mỗi người, hơn nữa xã Nam Kim còn nghèo nên việc xây dựng NTM là rất cần thiết.
Từ một xã nghèo, Nam Kim đã bứt phá vươn lên với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm đạt 5,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 90 hộ (chiếm 3,88%). Kinh tế phát triển nên việc vận động đóng góp xây dựng các công trình nông thôn mới có nhiều thuận lợi. Sau hơn 5 năm, toàn xã đầu tư 241,4 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, thì nhân dân đóng góp gần 170 tỷ đồng, chiếm 70% nguồn vốn.
Đặc biệt với sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ, đảng viên, luôn nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào, kiên trì vận động, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của toàn dân nên không chỉ đóng góp tiền của, mà người dân còn tự nguyện hiến hơn 23.000 m2 đất ruộng, 25.000 m2 đất ở, 10.000m tường rào, tháo dỡ 75 công trình phụ, 95 trụ cổng, hàng chục ngàn ngày công để mở rộng đường và xây dựng các công trình phúc lợi.
Đánh giá về quá trình xây dựng Nông thôn mới của xã nhà, ông Trịnh Xuân Hưng - Chủ tịch UBND xã Nam Kim - cho biết: "Để có được thành quả như ngày hôm nay, trước hết là sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của Đảng bộ và nhân dân trong xã, đây là yếu tố cơ bản cho quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Điều quan trọng nhất là dựa vào sức dân đi đôi với coi trọng thực hiện quy chế dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn