Cabin vắt, trữ sữa mẹ của công nhân tại Bình Dương không hiệu quả

17:40 | 26/08/2018;
Cabin vắt sữa cho con công nhân tại Bình Dương sau 4 năm được áp dụng dần dần thưa vắng người đến và hiện tại không còn ai sử dụng.
Năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã thực hiện thí điểm cabin vắt, trữ sữa cho con công nhân lao động tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).
 
Đây là nơi đầu tiên tại Bình Dương triển khai mô hình này, nhưng sau 4 năm thực hiện, phòng vắt sữa ở đây dần dần thưa vắng và hiện tại không còn ai sử dụng.
 
Có mặt tại phòng vắt sữa của Công ty Shyang Hung Cheng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không gian thoáng mát, sạch sẽ, có đầy đủ dụng cụ để vắt, trữ sữa và dụng cụ để tiệt trùng. Tuy nhiên, không còn cảnh đông đúc, chờ đợi như hồi mới bắt đầu triển khai đầu năm 2015.
 
canbin1_sjtk.jpg
Phòng vắt, trữ sữa Cty Shyang Hung Cheng hiện không còn người sử dụng

 

Tại đây, Ban lãnh đạo công ty và công đoàn cơ sở đã cung cấp cho chúng tôi sơ đồ về tình hình sử dụng phòng vắt sữa từ khi bắt đầu hoạt động cho đến nay. Theo đó, tỷ lệ công nhân lao động sử dụng mô hình này đã giảm theo từng năm.
 
Cụ thể, năm 2015, có trên 2.800 lao động nữ đến đây, năm 2016 giảm xuống còn 2.180 lượt người, đến năm 2017 chỉ còn 1.560 người và từ đầu năm 2018 đến nay, chưa đến 370 người còn hứng thú với mô hình này.
 
Ông Đặng Anh Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty Shyang Hung Cheng cho biết: lúc mới triển khai thí điểm mô hình này, nhiều chị em muốn đến cho biết nên họ tranh thủ nghỉ buổi trưa để vắt sữa, dự trữ chiều đưa về cho con dùng. Tuy nhiên, chị em đến vắt sữa ngày càng giảm nên công ty đang tìm giải pháp có thể bỏ hoặc tiếp tục duy trì nhưng vói hình thức tiện ích hơn.
 
Còn ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty thì giải thích, sở dĩ phòng vắt sữa giảm hẳn số công nhân đến là do thời gian nghỉ trưa quá ít, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, người lao động vừa ăn cơm trưa, vừa di chuyển xuống phòng vắt sữa nên không đủ thời gian, mà đặc thù công việc làm theo dây chuyền, nên bắt buộc họ phải vào ca đúng giờ.
 
Bên cạnh đó, nhiều chị em trước khi hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng để chuẩn bị đi làm thì đã tập cho con uống sữa công thức, nên lượng sữa mẹ giảm rất đáng kể, thậm chí nhiều người không còn đủ sữa để cho con bú, chứ đừng nói là để vắt dự trữ.
 
Công nhân Lê Thị Hiệp, có con dưới 1 tuổi cho rằng, đây là mô hình rất tốt, nhưng khi thực hiện thì rất bất tiện và phức tạp, vì đi vắt sữa xong lại phải trữ, rồi lúc về lại mất công đi lấy. Trong khi đó, hiện nay có nhiều loại sữa công thức có thể thay thế cho con dùng, không cần thiết phải dùng sữa mẹ, nên không cần phải vất vả đi vắt cho cực.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương cho biết, các cấp phụ nữ trong tỉnh luôn tuyên truyền cho công nhân về tác dụng của việc nuôi con bằng sữa mẹ; sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ, mà chị em còn tiết kiệm được một khoản tiền lớn, vì mua sữa bột rất tốn tiền. Trong khi, đa số công nhân nữ ở đây còn thu nhập thấp.
 
Trong một cuộc khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại phòng vắt sữa của công ty Shyang Hung Cheng, bà Trương Thanh Hằng, Trưởng Ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, chúng ta luôn khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, do đó Tổng LĐLĐ Việt đã nghiên cứu đưa mô hình này vào trong các doanh nghiệp để nữ công nhân tiện cho việc vắt và dự trữ sữa để đưa về cho con dùng.
 
Tuy nhiên, nếu không phù hợp thực tiễn và không hiệu quả thì Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tìm giải pháp phù hợp hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn