Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng vì một số nguyên nhân khiến lòng trắng mắt chuyển sang đỏ. Đa phần các trường hợp viêm kết mạc đều là cấp tính và không nguy hiểm. Tuy nhiên, một số tình trạng nhiễm trùng nặng có thể gây khó chịu và đau đớn; thậm chí gây biến chứng nghiêm trọng. Trước khi bệnh chuyển biến xấu, cần có biện pháp điều trị đau mắt đỏ tại nhà giúp làm dịu bớt triệu chứng khó chịu.
Rất may mắn, có một số biện pháp điều trị đau mắt đỏ tại nhà có hiệu quả, giúp người bệnh ổn định sinh hoạt. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị tại nhà chỉ dành cho những trường hợp bệnh nhẹ và được sự đồng ý của bác sĩ.
Nếu bạn cảm thấy mắt bị buốt, nhức, đau nhói hoặc đau nặng khi gặp ánh sáng thì lập tức đi đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám.
Nước muối là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả nhất. Hoạt động tương tự như nước mắt, nước muối giúp làm sạch mắt một cách tự nhiên. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, nước muối thường được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhất là ở mắt.
Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý dùng nước muối đảm bảo yêu cầu y tế, không tự pha nước muối tại nhà vì có thể sai tỷ lệ và không đảm bảo vệ sinh.
Đặt túi trà đã làm mát lên mắt khi người bệnh nhắm mắt lại có thể là một cách để thư giãn cho đôi mắt đỏ khó chịu. Đây là một phương pháp hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ tại nhà mà rất nhiều người áp dụng. Một số loại trà có đặc tính chống viêm, làm dịu da.
Ví dụ, các nghiên cứu đã cho thấy rằng trà xanh, hoa cúc và trà đen đều có đặc tính chống viêm. Do đó, đắp túi trà lên mắt có thể giúp mắt giảm sưng hiệu quả.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy túi trà ảnh hưởng đến mắt ra sao hoặc chúng có được công nhận như một phương pháp điều trị đau mắt đỏ tại nhà hay không. Bạn không nên xem đây là phương án duy nhất mà hãy dùng túi trà như một cách làm dịu đôi mắt và vẫn phải đến bác sĩ để được điều trị.
Nếu mắt của bạn bị đỏ hoặc bị kích ứng, một miếng gạc ấm có thể giúp cải thiện tình trạng khó chịu. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy chườm ấm có thể cải thiện sức khỏe của mắt ở những người có đôi mắt khỏe mạnh.
Và nghiên cứu năm 2012 lại cho thấy rằng chườm ấm có thể giúp cải thiện tình trạng cho những người bị viêm bờ mi, một tình trạng liên quan đến mí mắt bị viêm và đóng vảy. Ngoài ra, Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ gợi ý sử dụng một miếng gạc ấm để làm dịu các triệu chứng đau mắt đỏ. Nó được xem là một trong những bước điều trị đau mắt đỏ tại nhà tức thời.
Điều quan trọng bạn cần lưu ý là, mặc dù chườm ấm có thể giúp giảm đau và khó chịu, nhưng chúng thực sự không thể chữa khỏi bệnh đau mắt đỏ.
Dưới đây là các bước cần thiết cho việc chườm ấm đôi mắt đỏ:
- Nhúng khăn vào nước ấm, vắt khô khăn và nhẹ nhàng đắp lên mắt.
- Lưu ý sử dụng nước nóng để nhúng khăn nhưng không quá nóng để tránh bị bỏng tay và ảnh hưởng xấu đến vùng mắt.
- Đảm bảo khăn hoặc miếng vải bạn dùng để chườm ấm phải sạch, tránh tình trạng mắt tiếp xúc nhiều hơn với các vi trùng có hại.
Giống như chườm ấm, chườm lạnh là biện pháp hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ tại nhà nhưng không giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Phương pháp này có thể làm giảm bớt sự khó chịu liên quan đến một số bệnh về mắt. Chườm lạnh có thể giúp giảm sưng trong trường hợp mắt bị thương và đau mắt đỏ.
Dưới đây các bước để chuẩn bị thực hiện chườm lạnh:
- Nhúng khăn vào nước mát, vắt ráo khăn và nhẹ nhàng đắp lên mắt
- Bạn cũng có thể để một miếng vải ướt trong túi nhựa kín lên ngăn đá tủ lạnh trong vài phút trước khi thực hiện chườm lạnh. Tuy nhiên lưu ý cả vải và ngăn tủ lạnh đều phải đảm bảo vệ sinh.
- Khi thao tác chườm, không ấn mạnh hoặc chườm đá trực tiếp lên mắt.
Giặt khăn tắm và vỏ gối dùng hàng ngày khi bạn bị các bệnh nhiễm trùng mắt như đau mắt đỏ. Vì những vật dụng này tiếp xúc với mắt bị nhiễm trùng, chúng có thể lây nhiễm sang mắt kia hoặc khiến người khác trong gia đình bạn bị lây bệnh đau mắt đỏ. Nên giặt bằng nước nóng và chất tẩy rửa để đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại.
Không dùng chung các vật dụng trang điểm như như mascara, phấn mắt và kem lót mắt là điều nên làm để tránh những bệnh liên quan đến nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, nếu bạn đã mắc bệnh đau mắt đỏ, hãy vứt bỏ đi cọ trang điểm đã dùng để đảm bảo rằng bệnh sẽ không bị tái nhiễm trở lại.
Không chỉ lưu ý về phương án điều trị đau mắt đỏ tại nhà, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để tránh các nhiễm trùng về mắt như:
- Tránh chạm trực tiếp vào mắt
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chạm vào bề mặt bẩn.
- Nếu bạn sử dụng kính áp tròng, hãy làm sạch chúng và bảo quản đúng cách.
- Tránh dùng chung đồ trang điểm mắt hoặc cọ trang điểm với người khác.
Mặc dù có rất nhiều biện pháp điều trị đau mắt đỏ tại nhà có thể làm dịu các triệu chứng, nhưng điều quan trọng là bạn phải trao đổi với bác sĩ khi thấy dấu hiệu của bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp có thể áp dụng tại nhà và tuân thủ theo khuyến nghị của bác sĩ.
Điều đặc biệt quan trọng là các biện pháp điều trị đau mắt đỏ tại nhà chỉ dành cho người lớn, trẻ lớn. Tuyệt đối không áp dụng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nếu phát hiện con mình có dấu hiệu đau mắt đỏ, bạn nên đưa con đi khám ở các phòng khám chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xá, tránh các biến chứng về thị lực về sau cho bé.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn