Các biện pháp tự nhiên giúp giảm ho tại nhà cho trẻ bị cảm lạnh

12:31 | 11/10/2022;
Nhiễm virus hay vi khuẩn là điều khó tránh khỏi trong quá trình phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ. Trong đó cảm lạnh và ho thường phổ biến ở trẻ nhỏ. Liệu có các biện pháp hỗ trợ giảm ho tại nhà nào cho trẻ không?

Có một số lựa chọn giảm ho tại nhà cho trẻ, tuy nhiên trước khi lựa chọn thuốc kháng sinh thì cha mẹ có thể lựa chọn một số cách giảm ho tự nhiên và chờ chỉ định của bác sĩ.

Trẻ thường bị ho và cảm lạnh khi tiếp xúc với vi trùng. Với cảm lạnh - là bệnh do virus gây ra và có các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ho do cảm lạnh thường kéo dài có thể tới hai tuần nên việc kiểm soát các triệu chứng tốt sẽ giúp trẻ hồi phục sớm.

Với trẻ bị ho, các bác sĩ đều khuyên rằng nên cho trẻ nghỉ ngơi và uống đủ nước, đặc biệt không nên bỏ qua các dấu hiệu cho thấy trẻ cần phải gặp bác sĩ như:

- Bị ho kéo dài trên 10 ngày

- Đau ngực hoặc đau cổ

- Sốt trên 38,5 độ trên 3 ngày

- Trẻ dụi tai liên tục, kéo dứt tai có thể là biểu hiện báo hiệu nhiễm trùng tai có thể xảy ra

- Hôn mê, li bì

- Khó thở

- Da môi, móng tay màu xanh.

Các biện pháp tự nhiên giúp giảm ho tại nhà cho trẻ bị cảm lạnh - Ảnh 1.

Trẻ thường bị ho và cảm lạnh khi tiếp xúc với vi trùng (Ảnh: Internet)

Các nguyên nhân khác gây ra ho ngoài cảm lạnh

Nếu như các triệu chứng ho của trẻ không được cải thiện hoặc ngày càng trầm trọng hơn thì có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác. Bạn cần cho con gặp bác sĩ nhi khoa để thăm khám bằng cách kiểm tra nhịp thở hay chụp X-quang phổi để xác định chính xác nguyên nhân gây ho ở trẻ là gì.

Những ho ho khan thường do viêm thanh khí phế quản gây ra còn với ung thư phổi ở trẻ em có thể phổ biến hơn với ho và sốt vào ban đêm. Ho mãn tính có thể là kết quả của dị ứng hay hen suyễn.

Một số biện pháp giảm ho tại nhà tự nhiên cho trẻ bị cảm lạnh

1. Máy tạo ẩm

Sử dụng máy tạo ẩm có thể giúp dịu bớt các triệu chứng của trẻ khi bị ho. Khi không khí trẻ hít vào bị khô quá mức sẽ gây ra các cơn kích ứng tại cổ họng và ho. Vì thế máy tạo ẩm giúp làm loãng đàm, giảm ho và giúp trẻ dễ chịu hơn.

Bạn nên sử dụng máy bù ẩm ngay cả ban ngày và ban đêm khi trẻ bị ho. Nếu không có máy tạo ẩm bạn có thể sử dụng biện pháp thay thế như cho trẻ ngồi trong nhà tắm sử dụng vòi sen nước nóng.

2. Mật ong

Với trẻ trên 1 tuổi thì mật ong kết hợp với nước ấm và chanh có thể đem lại nhiều hiệu quả giảm nhẹ. Vị ngọt tự nhiên của mật ong với công dụng chống nhiễm trùng, ngăn chặn vi khuẩn giúp mật ong trở nên phổ biến hơn khi nhắc tới các biện pháp giảm ho tự nhiên tại nhà.

Tuy nhiên, do có hàm lượng đường cao nên cha mẹ cần lưu ý về liều lượng sử dụng cho trẻ.

Các biện pháp tự nhiên giúp giảm ho tại nhà cho trẻ bị cảm lạnh - Ảnh 2.

Hỗn hợp chanh, mật ong và nước ấm giúp làm dịu họng cho trẻ (Ảnh: Internet)

3. Bù nước

Không chỉ khi bị sốt, trẻ bị ho cũng cần bù nước. Giúp trẻ uống đủ lượng chất lỏng sẽ giúp đường thở được giữ ấm và dịu cơn đau họng.

Với trẻ đang bú sữa mẹ, hãy tích cực cho trẻ bú. Lưu ý trẻ dưới 6 tháng tuổi thì không nên cho trẻ uống nước bởi có thể khiến trẻ bị hạ natri máu. Trong trường hợp trẻ không chịu uống chất lỏng khác, hãy liên hệ với bác sĩ để được chỉ dẫn các cách bù lỏng khác.

4. Nước muối sinh lý

Phổ biến khi trẻ bị ngạt/nghẹt mũi, nước muối sinh lý cũng là một "trợ thủ đắc lực" khi trẻ bị ho nhờ công dụng thúc đẩy tống chất nhầy ra ngoài.

Thuốc nhỏ mũi cần được sử dụng đúng cách, không nên sử dụng các loại bình xịt áp lực mạnh như xi lanh... bởi có thể khiến niêm mạc mũi trẻ bị tổn thương. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà bạn lựa chọn các thiết bị hút rửa dịch mũi chuyên dụng khác nhau.

Các biện pháp tự nhiên giúp giảm ho tại nhà cho trẻ bị cảm lạnh - Ảnh 3.

Cần lưu ý về tư thế rửa mũi cho trẻ để tránh tăng áp lực lên tai (Ảnh: Internet)

Ngoài ra cần lưu ý về tư thế xịt rửa mũi cho trẻ, tránh tạo áp lực lên tai. Thông thường bạn có thể nghiêng đầu của trẻ hơi chếch ra sau và bóp nhỏ mũi từng bên. Thời điểm thực hiện tốt nhất là trước khi đi ngủ sẽ giúp trẻ thấy dễ chịu hơn.

5. Kê gối cao

Kê cao đầu của trẻ khi ngủ cũng có tác dụng giúp ngăn ngừa tình trạng chảy nước mũi sau. Do việc nằm thẳng trên một mặt phẳng khiến chất nhầy có nhiều khả năng bị tích tụ nhiều hơn phía sau cổ họng từ đó gây ra các cơn ho nhiều hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến trẻ ho về đêm nhiều.

Lưu ý rằng, với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không nên dùng gối; hay nói cách khác với trẻ dưới 1,5 tuổi cha mẹ không nên dùng gối. Có thể cân nhắc tới việc nâng cao đệm ở cũi cho trẻ - tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về độ cao phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Nhìn chung thì ho là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ, do đó việc lựa chọn thêm các biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà có thể cải thiện tốc độ phục hồi ở trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cần kiểm tra nhãn trên tất cả các loại thuốc không kê đơn trước khi cho trẻ dùng để đảm bảo rằng thuốc đó phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Ngoài ra, với trẻ bị cảm lạnh, cha mẹ có thể bổ sung một số vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ chống chọi với virus gây cảm lạnh:

- Vitamin C

Vitamin C là loại vitamin quan trọng mà trẻ cần bổ sung hàng ngày, tuy nhiên không có lời khuyên về việc dùng các chất bổ sung với liều lượng bao nhiêu để điều trị cảm lạnh. Các bác sĩ cho biết, cách tốt nhất để bổ sung vitamin C cho trẻ chính là cho trẻ ăn nhiều các loại trái cây họ cam quýt như cam, bưởi,...

Các biện pháp tự nhiên giúp giảm ho tại nhà cho trẻ bị cảm lạnh - Ảnh 4.

Các loại trái cây họ cam quýt rất giàu vitamin C (Ảnh: Internet)

- Kẽm

Giống như vitamin C thì kẽm cũng được đánh giá giúp tăng cường miễn dịch với trẻ bị cảm lạnh. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc bổ sung kẽm vào ngày đầu tiên khi xuất hiện triệu chứng bệnh sẽ giúp nhanh hồi phục hơn một ngày.

Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về liều lượng kẽm phù hợp với độ tuổi của con bạn do bổ sung kẽm quá liều có thể gây hại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn