Các cấp Hội chủ động giới thiệu nữ ứng viên đủ tiêu chuẩn

17:32 | 04/02/2016;
Để tỷ lệ phụ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021 đạt ít nhất 35%, trúng cử ít nhất là 30%, các cấp Hội phải chủ động giới thiệu những người có đủ đức, đủ tài, tham gia tranh cử.
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa triển khai công tác bầu cử trong các cấp Hội

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thành viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, chủ trì hội nghị trực tuyến Hướng dẫn tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kì 2016 -2021 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 4/2, với sự tham gia của 63 tỉnh, thành Hội LHPN, Hội Phụ nữ Công an, Quân đội.    

Hội nghị nhằm triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021. "Các cấp Hội cần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ về quyền và trách nhiệm trong xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; vận động phụ nữ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của cuộc bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử", Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh. 
Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của Hội LHPN các tỉnh, thành trên cả nước

Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đã triển khai kế hoạch hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc Hội LHPN các cấp tham gia bầu cử. Yêu cầu các cấp Hội tích cực, chủ động giới thiệu nguồn nhân sự nữ ứng cử viên đại biều Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2016 -2021, đảm bảo tỉ lệ ít nhất 35% ứng cử viên là nữ. Căn cứ vào quyền và trách nhiệm của tổ chức Hội theo Luật định và chương trình ký kết, các cấp Hội chủ động, tích cực tham gia công tác bầu cử đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Vận động hội viên, phụ nữ đi bầu cử, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% cử tri nữ đi bầu, trừ những trường hợp đặc biệt, góp phần đạt ít nhất 30% nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
"Các cấp Hội cần phải tuyên truyền để các tầng lớp phụ nữ hiểu về ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, hiểu đây là quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ", Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa triển khai công tác giám sát của Hội năm 2016

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bà Bùi Thị Hòa đã trình bày kế hoạch Triển khai, Hướng dẫn giám sát của Hội LHPN Việt Nam năm 2016. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội cũng đã giải đáp những câu hỏi, ý kiến, thắc mắc của các cấp Hội trên cả nước. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Trung ương Hội sẽ có những chỉ đạo kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021. 


5 nội dung giám sát:

- Việc ban hành các văn bản, triển khai thực hiện các quy định đảm bảo tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, trách nhiệm của tổ chức Hội. 
- Việc dự kiến cơ cấu, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. 
- Việc đảm bảo tiêu chuẩn của nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của nữ ứng viên đại biểu HĐND
- Công tác tuyên truyền, vận động bầu cử đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên
- Đảm bảo sự tham gia của phụ nữ, của tổ chức Hội trước, trong bầu cử và sau cuộc bầu cử. 

Phương pháp giám sát: 

Thông qua đại diện lãnh đạo các cấp Hội tham gia vào Hội đồng bầu cử quốc gia/ các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, tham gia vào các bước hiệp thương và quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 

Giám sát thông qua nghiên cứu các báo cáo, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bầu cử liên quan đến tỷ lệ, chất lượng nữ ứng cử viên, phân công trách nhiệm cho tổ chức Hội. 

Giám sát thông qua hoạt động đoàn giám sát do Thường trực Đoàn chủ tịch Trung ương Hội, thường trực Ban thường vụ tỉnh/thành Hội chủ trì, tham gia đoàn giám sát do Ban thường trực UB MTTQ cùng cấp tổ chức. 

- Cấp Trung ương thành lập các đoàn giám sát chuyên đề do Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội chủ trì (mời đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ, Ban Dân vận Trung ương...). Tham gia đoàn giám sát do Ban thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. 

- Cấp địa phương: Thành lập đoàn giám sát chuyên đề do Thường trực Hội LHPN các cấp chủ trì (mời đại diện UB MTTQ Việt Nam cùng cấp và các sở, ngành, tổ chức liên quan); Tham gia đoàn giám sát do Ban thường trực UB MTTQ cùng cấp chủ trì. 

Thời gian, địa bàn giám sát: 

- Bắt đầu từ ngày 7/2/2016 đến kì họp thứ nhất (tháng 7/2016) Quốc hội khóa XIV và kì họp thứ nhất HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021. 

-  Đoàn giám sát chuyên đề do Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội chủ trì làm việc tại 9 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, An Giang, Tây Ninh, Cà Mau. 

- Các địa phương, căn cứ tình hình thực tế để chọn địa bàn giám sát phù hợp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn