Xã vùng cao làm du lịch
Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cũng như giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, ngày càng nhiều hội viên phụ nữ huyện Mù Cang Chải có mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập ổn định.
Bà Giàng Thị Gừ (bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) cho biết, với sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, gia đình đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Hiện nay, mô hình của gia đình duy trì 18 phòng nghỉ, phục vụ tối đa cho 60 khách nghỉ mỗi đêm.
Nhờ làm tốt công tác quảng bá, cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nên 99% khách của gia đình bà Gừ đều đặt phòng trước. Vì vậy, gia đình luôn chủ động được số lượng khách từng ngày để chủ động chuẩn bị các dịch vụ đi kèm như ăn uống, đi tham quan trải nghiệm phục vụ được tốt hơn. Nhờ đó, dịch vụ của gia đình được du khách sau khi trải nghiệm đều hài lòng. Những tháng cao điểm, hommestay của bà Gừ lúc nào cũng kín phòng.
Không chỉ gia đình bà Gừ, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều chị em khác cũng đã cải thiện đồi sống. Bà Thào Thị Dở, Chủ tịch Hội LHPN xã La Pán Tẩn cho biết, La Pán Tẩn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mù Cang Chải với trên 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hội viên phụ nữ và nhân dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Ngoài ra, bà con vẫn còn một số hủ tục lạc hậu, đặc biệt là đối với phụ nữ người Mông, còn sống phụ thuộc vào chồng do quan niệm và nhận thức nên nhiều chị em có tâm lý e dè, tự ti, ít tham gia các hoạt động xã hội.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội LHPN các cấp và cả hệ thống chính trị kiên quyết vào cuộc nên đời sống người dân dần thay đổi. Hiện tại, toàn xã đã có 5 chị phát triển du lịch homestay, nhiều chị em đã mở cửa hàng bán đồ thổ cẩm, tham gia tổ hợp tác, phát triển chăn nuôi, đầu tư kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục du lịch, dệt thổ cẩm...
Các cấp Hội hỗ trợ hội viên
Bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải cho biết, Mù Cang Chải là huyện vùng cao. Phần lớn hội viên là đồng bào Mông, trình độ nhận thức không đồng đều, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi còn có những hạn chế nhất định. Bởi vậy, Hội đã chú trọng việc định hướng, chỉ đạo các cơ sở hội giúp đỡ, triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của các cấp, ngành đến với hội viên.
Theo đó, để tạo nguồn vốn cho các hội viên, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội xã, thị trấn thực hiện tốt hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay hàng năm với tổng dư nợ tính đến hiện nay do Hội LHPN nhận ủy thác đạt trên 90,6 tỷ đồng cho hơn 1.940 hộ ở 46 tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình; tập huấn về xây dựng các mô hình "5 không, 3 sạch", "5 có, 3 sạch"... cho hàng ngàn lượt hội viên tham gia học tập.
Từ nguồn vốn và kỹ thuật được hướng dẫn, chuyển giao nhiều hội viên đã áp dụng và thoát nghèo. Ví như, tại xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) có 23 hội viên trồng sơn tra, thảo quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, gà đen bản địa cho thu nhập từ 40-70 triệu đồng/năm; Hội LHPN xã Kim Nọi có 30 mô hình thu nhập từ 40 đến 200 triệu đồng từ trồng sơn tra, chăn nuôi, làm du lịch cộng đồng; Hội LHPN xã La Pán Tẩn với 4 mô hình thu nhập từ 40 đến 200 triệu đồng...
Ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, các cấp Hội cũng duy trì mô hình hội viên tiết kiệm, với mức từ 5.000 đồng/hội viên/tháng. Đến nay, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã có 78 tổ tiết kiệm, với tổng số tiền tiết kiệm là trên 285 triệu đồng. Từ số tiền này, đã giúp cho 92 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay xoay vòng vốn phát triển kinh tế. "Với những mô hình mới, cách làm hay của các cấp Hội, nhiều hội viên đã thoát nghèo. Từ đó, góp phần quan trọng giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 9 tháng của năm 2022 là 834/1.024 hộ, đạt trên 81% kế hoạch năm", bà Mỷ thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn